Nếu ai đó cho rằng những người dính dáng sâu đậm đến môn Toán thường khô khan và tẻ nhạt, thì xin mời nói chuyện cùng Haim Shapira.
Người đàn ông thú vị này là một vị tiến sĩ về Toán di truyền. Ông cũng giảng dạy tâm lý học, triết học, văn học, là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy, và là một nghệ sỹ dương cầm.
Khi chưa thể lặn lội sang Israel để tìm gặp ông, thì bạn vẫn có thể lên Youtube xem rất nhiều bản nhạc mà ông biểu diễn. Hoặc bạn có thể tìm đọc cuốn sách tuyệt vời – Happiness and other small things of absolute Importance – được dịch sang Tiếng Việt với tiêu đề Hạnh phúc & những điều nhỏ bé quan trọng khác.
Cảm xúc đại dương là một thuật ngữ mà Haim Shapira dùng trong cuốn sách nói trên để mô tả sự “kết hợp giữa cảm giác kỳ thú và biết ơn vô bờ” khi ông được lắng nghe những bản nhạc hay, ngắm nhìn những bức hoạ đẹp, đọc truyện ngắn của Chekhov, đi dạo trên bờ biển vào mùa đông, uống cà phê trong một quán nhìn ra biển rộng…
Một người được coi là hạnh phúc (theo quan điểm của Haim Shapira) là người có thể tìm được nhiều khoảng khắc mang lại cảm xúc đại dương trong cuộc sống hàng ngày.
Tò mò như một đứa trẻ
Mùa hè năm ngoái, à năm kia chứ, khi Hà Nội vẫn đang trong đợt cách ly vì Covid, tôi đã chứng kiến những tâm trạng hết sức đối nghịch nhau khi điều hoà phòng khách đột nhiên nhỏ nước tong tỏng xuống mặt sàn.
Bố BB “hoảng loạn” vì không thể tìm được thợ sửa, mà anh thì rõ là không thể sống thiếu điều hoà trong mùa nóng. BB thì ngược lại, hớn hở ngồi bệt bên cạnh cái chậu hứng nước, thốt lên đầy ngạc nhiên “Mẹ ơi, sao mà giống mưa trong nhà vậy?”
Chúng ta ai cũng đã từng là những đứa trẻ hào hứng khám phá mọi thứ xung quanh, cho tới khi ta lớn lên. Cuộc sống co dần về những nỗi lo. Và những gì nằm hơi xa cuộc sống mưu sinh bị coi là phù phiếm.
Tôi đồng tình với Haim Shapira về Cảm xúc đại dương, và vì vậy, tôi cố gắng mở rộng nhiều cánh cửa để nhìn ngắm, học hỏi và cảm nhận thế giới xung quanh.
Khi ta tìm đến với một điều gì đó, như hội hoạ chẳng hạn, với tâm trí trong sáng và tò mò, không vì tiền bạc hay để chứng minh sự “ra gì và này nọ”, thì thật sự là các cảm xúc đại dương lại tự tìm đến với ta.
Lời khuyên của Haim Shapira
“Vì thế, hãy vui sống. Yêu một người đàn ông, một người phụ nữ hay một đứa trẻ. Đi ngắm nhìn ngọn núi Dolomites ở Ý. Hôn nhau dưới mưa. Viết hồi ký. Đọc những cuốn sách triết học hoặc thậm chí là đọc lại những cuốn sách dành cho thiếu nhi. Bơi trên bờ biển giữa đêm trăng tròn. Bướng bỉnh. Nỗ lực. Thứ tha. Hát to trong nhà tắm. Dừng lại để ngắm những bông hoa anh đào trong nắng. Học toán.”
(Hạnh phúc & những điều nhỏ bé quan trọng khác)
Vài hôm trước tôi dẫn HB tới một triển lãm tranh, hi vọng nếu không mang lại “Cảm xúc đại dương” cho các con thì tạm thời mang tới “Cảm xúc hồ nước” cũng được.
Chúc các bạn tìm lại được sự tò mò của trẻ nhỏ!
#Hãy yêu khi mọi điều còn chưa cũ#