Chuyện về Cô bán sữa
Tôi rất thích câu chuyện vốn dành cho trẻ con về cô gái bán sữa hay mơ mộng.
Truyện kể về một cô gái nghèo khó đã mơ những giấc mơ tuyệt đẹp trên đường đội sữa ra chợ bán. Cô mơ về lúc có thể bán được hũ sữa với giá cao. Cô sẽ dùng số tiền đó để mua một bộ váy thật lộng lẫy.
Giấc mơ mang cô đi xa hơn tới phiên bản xinh đẹp của chính mình trong chiếc váy mới, và lọt vào mắt xanh của một chàng trai tuấn tú.
Thế rồi chàng chưa kịp ngỏ lời, thì cô … vấp phải hòn đá giữa đường, và đánh đổ hũ sữa, cùng với cả giấc mơ chưa đi tới hồi kết.
Có gì giữa lưng chừng ĐÂY và ĐÓ?
Hãy tạm gọi Hiện tại là ĐÂY, và Tương lai là ĐÓ. Mấy ai trong chúng ta biết cách sáng suốt tận hưởng sâu sắc nơi Đây, mà thôi bận tâm tới Đó?
Ta trôi trong những toan tính cho tương lai. Để rồi tới khi nhận ra rằng giữa Đây và Đó chỉ là những chênh vênh, ta sẽ hiểu được điều kỳ kiệu nhất là khả năng tận hưởng phiên bản hiện tại của Đó – chính là giây phút hiện tại này.
Trẻ con sở hữu kỹ năng tuyệt vời để sống trong hiện tại. Chúng vui với những gì ở Đây, tại chính khoảnh khắc này. Hãy nhìn ánh mắt trong veo, hào hứng, đầy tò mò với mọi thứ chung quanh của một em bé.
Tiếc rồi trẻ con trở thành người lớn, và đánh mất khả năng kỳ diệu ấy.
Những ngày bình thường
Tôi đang tận hưởng những ngày tràn ngập những chuyện bình thường của lứa tuổi 70, 15, 8, … uhm… và cả tuổi 40 nữa.
Lâu lắm rồi, có lẽ phải hai chục năm đã trôi qua khi tôi có thể ở nguyên vẹn bên Mẹ ba ngày. Nguyên vẹn nghĩa là tôi không phải vừa ngồi làm việc vừa tiếp chuyện mẹ, hoặc sang thăm bà chốc lát rồi lại biến mất vào cuộc sống riêng.
(Viết tới đây tôi chợt nghĩ mình nên thận trọng ghi lại vào sổ rằng “Sau khi con gái đi lấy chồng thì rất lâu sau (có thể là hai thập kỷ), con gái mới có thể dành NGUYÊN VẸN một vài ngày cho Mẹ”. Ghi lại như vậy để tôi thấy trân trọng hơn vô số những ngày mà tôi và HB đang dành cho nhau một cách NGUYÊN VẸN ở thời điểm hiện tại.)
Mẹ thích thú với mọi nơi chốn mà tôi dẫn mẹ đi, kể cả chiếc ghế đá dưới gốc cây mà tôi thường lui tới. “Con đã nhìn thấy một con kỳ nhông trên cành cây kia” – Tôi nói vậy, và ngay lập tức bà bảo “Mẹ cũng mong được thấy con kỳ nhông”.
Rồi cũng dưới gốc cây ban ấy, khi bà kể với tôi rằng bà thường mơ tới chuyện thuê một chiếc thuyền thúng để ngắm hoa sen thì tôi biết rằng tôi được thừa hưởng gen “phù phiếm” từ ai (hahaha).
Vậy đấy, những ngày cứ trôi đi như thế, khi tôi được “cắm rễ” trong những chuyện hết sức bình thường.
Thực ra thì từ “trôi” cũng không đúng lắm, vì cô bán sữa đã dạy cho tôi trân trọng nơi ĐÂY thế nào cho đúng.
Cô gái bán sữa nọ nếu không trôi trong những giấc mơ thì có thể cô đã được tận hưởng mùi hương thơm của hoa cỏ ven đường. Giấc mơ về chàng trai tuấn tú cũng khiến cô không nhận ra tiếng chim líu lo buổi sáng. Và rồi cũng chính những giấc mơ về tương lai đã che khuất viên đá mà cô vấp phải.
Bản thân những giấc mơ và những niềm hy vọng không có lỗi. Lỗi là ở ta, khi tự đặt mình vào những chênh vênh giữa Đây và Đó. Đuổi theo những giấc mơ, và ta “đánh đổ hũ sữa” của hiện tại.
Hãy chậm lại, nghe thầy Thích Nhất Hạnh khuyên rằng “Chẳng có gì phải chạy đuổi theo. Chỉ cần trở về với mình, trở về với hơi thở và nụ cười, trở về nơi mình ở, nơi có thông reo, chim hót và nắng ban mai. Còn nơi nào đẹp hơn nữa?”
(Trích “Câu chuyện dòng sông” – Sách An lạc từng bước chân)
Tôi và mẹ không được ngắm thông reo, nhưng mẹ đã dẫn tôi tới một nơi có nước mát và những bông hoa súng đang nở rộ.
Thầy Thích Nhất Hạnh khuyên thật đúng, chẳng có nơi nào đẹp hơn nữa.
#Hãy yêu khi mọi điều còn chưa cũ#