(*) Xa ngoài kia nơi loài tôm hát là một bộ phim mà tôi rất thích. Xem phim xong, khi mà “đồng đội” đã ngủ “được mấy giấc”, thì tôi vẫn thao thức vì những thước phim đẹp như tranh vẽ được quay ở vùng đầm lầy Calorina, về cô gái Kya xinh đẹp, trong sáng mà hoang dại, và vì kết thúc phim bất ngờ một cách vô cùng logic.
Bỏ qua một số nhận xét trái chiều, đây là bộ phim đầy chất thơ dành cho những tâm hồn dễ rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên mênh mông và hùng vĩ.
Bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết bán chạy cùng tên của nữ tác giả Delia Owens. Tên phim, cũng là tựa sách, là lời của hai người mẹ, trong phim và ngoài đời, nói với con gái về một khoảng mênh mông phía xa, nơi những loài tôm đang thì thầm cất tiếng hát.
Lời thì thầm ấy đã biến Kya thành “cô gái đầm lầy”, yêu nơi cô sống một cách mãnh liệt, và cũng biến chính tác giả Delia Owens thành một nhà văn, nhà động vật học, nhà bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng.
Biển sóng biển sóng đừng xô tôi
Tôi ở đây là … chính tôi, với một nỗi sợ biển khó lý giải.
Đôi khi tôi nghĩ rằng nếu phải bỏ thành phố mà về vùng nông thôn làm ruộng, trồng vườn thì … uhm… tôi cho là rồi cũng ổn cả thôi… uhm…
Nhưng nếu xui xẻo tôi phải ra biển đánh cá thì chắc tôi sẽ chết vì sợ trước khi quăng mẻ lưới đầu tiên.
Tôi chưa (và có lẽ là không) bao giờ dám ra biển một mình. Mà nếu có nhiều mình “yểm trợ”, thì tôi vẫn cảm nhận rõ nỗi sợ hãi, bất an trước một vùng biển khơi mênh mông xanh thẳm. Nỗi bất an ấy dâng cao cùng với thuỷ triều, đặc biệt khi tôi chiều người đi cùng mà ra ngoài xa một chút. Quay mặt vào bờ thì nỗi sợ hãi đuổi phía sau lưng. Quay lưng vào bờ thì nỗi bất an hiện ngay trước mắt.
Có lẽ nỗi sợ hãi này nhen nhúm từ hồi tôi còn bé xíu, khi tôi sống cùng ông bà nội ở một vùng quê heo hút. Ông bà trồng nhiều luống rau bên triền sông. Tôi vẫn nhớ phiên bản bé nhỏ của mình xách cái xô cũng bé xíu, múc nước dưới sông để tưới rau giúp ông bà trong ánh chiều nhập nhoạng.
Con sông Đáy quá rộng và sâu với một đứa bé bảy, tám tuổi. Tôi bị ngợp trong cảm giác sợ hãi khi cúi xuống múc nước, tưởng như bất cứ lúc nào, tảng nước đen ngòm sẽ dựng lên rồi ụp xuống mà cuốn lấy tôi.
Tôi đã không nói với ông bà, hay bất cứ ai về cảm giác ấy, vẫn thi thoảng mang xô tưới rau giúp ông bà, rồi mang theo nỗi sợ hãi tới tận bây giờ.
Những miếng bọt biển
Tôi nghĩ về trẻ con, thấy chúng thật giống miếng bọt biển. Những lời người lớn nói và không nói, những điều người lớn làm và không làm, tất cả đều như nước rót vào những miếng bọt biển.
Trẻ con gần như không được quyền lựa chọn sẽ mang ký ức nào theo, và ký ức nào cần để lại.
Những kỷ niệm đẹp đẽ và trong sáng có thể được “miếng bọt biển” gói ghém trong hành lý và nương tựa vào mỗi khi bị đời xô đẩy.
Và cũng có cả những ký ức đầy bất an, sợ hãi sẽ mai len lỏi trong tâm trí.
Thành ra, nếu ta là một người lớn đang chăm sóc những miếng bọt biển, hãy cố gắng nghĩ về những ký ức mà chúng sẽ được (lẫn phải) mang theo.
Thật khó để đoán biết được cảm giác của trẻ con trong mọi tình huống, trừ khi chúng được dạy để nhận biết về cảm xúc của chính mình, và được khuyến khích để chia sẻ với người mà chúng tin tưởng.
Còn giả dụ như chính ta, trong vai trò là người lớn, đang phải mang theo những ký ức bất an và sợ hãi, thì cũng đừng ngại để mở lời và tìm đến một bàn tay ấm áp.
#Hãy yêu khi mọi điều còn chưa cũ#