Dốc hết trái tim
Lâu lâu về trước, tôi bắt đầu biết tới khái niệm quản lý tài chính cá nhân. Để nhanh chóng trở thành một người hoàn toàn tự chủ về tài chính, tôi hăm hở lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu cho những thứ không cần thiết. Theo lý thuyết thì những cắt giảm nho nhỏ như vậy có thể mang tới một nguồn tài chính dồi dào trong tương lai. Ví dụ như cắt giảm một cốc Starbucks mỗi ngày có thể giúp bạn mua được túi LV trong X tháng, và có hẳn một chuyến du lịch Châu Âu trong Y năm (^.^).
Tôi nghiêm túc thực hiện kế hoạch bỏ uống Starbucks mỗi ngày… cho tới khi đọc cuốn Dốc hết trái tim.
Đây là cuốn sách của Howard Schultz, người đặt nền móng xây dựng Starbucks từ những ngày đầu tiên cho tới khi Starbucks trở thành một thương hiệu lớn với mạng lưới cửa hàng rộng khắp thế giới. Howard Schultz là một người kể chuyện tuyệt vời. Hành trình từ bỏ một sự nghiệp đang lên như diều gặp gió ở công ty chuyên về đồ gia dụng Hammarplast để đến với Starbucks, khi đó còn là một cửa hàng cà phê nhỏ ở Seattle, và rồi thực sự pour his heart into it – dốc hết trái tim vào đó, làm những người đọc như tôi không còn coi Starbucks là một đồ uống đơn thuần nữa.
Tôi bị cuốn hút bởi cách Howard Schultz kể lại câu chuyện, về lý do mỗi nhân viên bán hàng luôn được coi là một Partner (bạn có thể nhìn thấy danh xưng này trên mỗi hoá đơn), về các album nhạc mà tôi nghe mỗi lần ghé Starbucks đã được thực hiện đầy cảm hứng ra sao, và về sự sáng tạo hết sức nghiêm túc khi thiết kế bao bì cho từng gói bột cà phê được bày bán trong các cửa hàng.
Tôi sẽ không kể thêm nữa, phòng khi bạn quyết định sẽ đọc cuốn sách này.
Thôi, chưa cần túi LV, chưa cần chuyến du lịch Châu Âu. Tôi quay trở lại với Starbucks, một cách tự nguyện, và thực sự thưởng thức mỗi tách cà phê – cả hương vị và những câu chuyện trong đó.
Story telling – Kể chuyện và nuôi dậy con
Nếu Howard Schultz có thể thành công đến vậy khi kể câu chuyện về Starbucks, thì ta cũng có thể học hỏi phần nào, để áp dụng linh hoạt nghệ thuật kể chuyện trong việc giao tiếp hàng ngày với con.
Một câu chuyện ý nghĩa của doanh nghiệp sẽ tác động đến quyết định mua hàng của khách hàng. Một câu chuyện được truyền tải thành công bởi cha mẹ sẽ tác động đến cách suy nghĩ và hành vi của trẻ.
Phải khẳng định ngay từ đầu, rằng bản thân một câu chuyện không thể ngay lập tức khiến đứa trẻ răm rắp nghe lời (mà mục đích của ta cũng đâu phải là vậy chứ). Nhưng nó có tác dụng minh hoạ, làm cho những thông điệp của cha mẹ trở nên thuyết phục, dễ hiểu, dễ nắm bắt. Và quan trọng hơn hết, nếu cha mẹ duy trì việc kể những câu chuyện hay một cách đều đặn, nhất quán, trẻ sẽ có tâm hồn phong phú, cá tính sáng tạo và cái nhìn tươi sáng về cuộc sống.
Trẻ con là đối tượng “tò mò” về gần như mọi thứ quanh mình, và rất dễ bị cuốn hút bởi những câu chuyện hấp dẫn. Cha mẹ có thể thay thế những lời răn đe, doạ dẫm bằng những mẩu chuyện nhỏ. Chúng sẽ giúp giảm bớt những căng thẳng, xung đột, và cũng khuyến khích trẻ tự nghiền ngẫm, liên tưởng để rút bài học cho riêng mình.
Lời quát nạt có thể để lại sự căng thẳng lâu dài nơi trẻ.
May thay, những câu chuyện ngọt ngào cũng sẽ được nhớ lâu như thế.
Nào, hãy bắt đầu hành trình trở thành Người Kể Chuyện!
Kể chuyện gì? Cha mẹ có thể kể bất cứ câu chuyện nào cho trẻ. Nó có thể liên quan tới một chủ đề nhất định nào đó mà con cần để tâm, hoặc đơn giản chỉ là những câu chuyện khơi gợi trí tò mò, động viên trẻ khám phá mọi thứ xung quanh. Đó có thể là những câu chuyện mà bạn đã đọc, được nghe kể lại, hoặc thậm chí là do chính bạn là tác giả.
Tôi thường kể chuyện trong các tình huống “Muốn/Không Muốn” hàng ngày (như khi BB không muốn tập đàn, không muốn đi học, không muốn đi ngủ, muốn ăn nhiều kẹo, muốn mua thêm đồ chơi…) hoặc khi tôi cần giải thích cho các con về các chủ đề “khó nhằn” hơn (như việc xử lý các cảm xúc khó chịu, cách đối mặt với sự ra đi của những người thân, hay tầm quan trọng của việc quan tâm gắn kết với những người xung quanh…).
Phần lớn thời gian, những câu chuyện có tác dụng. Thực tế, các con nhớ những gì tôi kể hơn chính bản thân tôi. Nên tôi thường cân nhắc kỹ nội dung trước khi bắt đầu kể bất cứ một câu chuyện nào, dù dài hay ngắn.
Nếu bạn có chút tò mò về những gì tôi đã kể cho HH và BB thì hãy cho tôi biết nhé. Tôi luôn sẵn sàng chia sẻ.
Kể như thế nào? Hãy nhớ, trẻ con luôn bị dẫn dắt bởi cảm xúc. Nghệ thuật story telling thành công khi những câu chuyện để lại nơi trẻ cảm xúc tích cực như vui vẻ, hào hứng, cảm động… Cho dù câu chuyện có hấp dẫn tới đâu đi nữa nhưng nếu những gì đọng lại trong trẻ lại là cảm giác sợ sệt, xấu hổ, thấy có lỗi, cắn rứt, hoang mang… thì rõ ràng, việc kể chuyện đã hoàn toàn thất bại rồi.
Kể lúc nào? Khi trẻ muốn nghe. Đúng vậy. Ta không thể kể chuyện cho những gương mặt giận dữ, đỏ ửng đang la hét (hoặc nhì nhèo, hoặc rên rỉ) liên hồi. Đây là lúc ta cần tới sự kiên nhẫn để chậm lại, và sự nhạy cảm để tìm ra thời điểm giao tiếp hiệu quả với con. Với tôi, đó là những lúc ba mẹ con đi dạo cùng nhau, và là “sweet time before bedtime” mà tôi luôn cố gắng duy trì mỗi ngày.
Hãy bắt đầu bằng việc công nhận cảm xúc của con, và rồi con sẽ chịu lắng nghe bạn nói.
Một số “tips” nho nhỏ:
- Điều gì khiến câu chuyện hấp dẫn ngay từ giây phút đầu tiên: Tên chuyện
Bạn có muốn nghe những câu chuyện có tiêu đề kiểu như: Một ngày của bé Na; Bé Nấm học vẽ; Bài học của Cún; Quạ nhỏ biết nghe lời; Mèo con hay hát … không?
Tôi thì KHÔNG!!! Và các thính giả tò mò kia cũng thế.
Thế còn T-REX thích ăn đùi gà; Mèo Catie tối nào cũng trèo qua cửa sổ; Cá mập trắng chuyên trộm kẹo; Rồng ba đầu bị gãy răng cửa; Con mắt thứ ba mọc giữa trán; Cái mũi trốn mất trong đêm?
TUYỆT. “Mẹ kể ngay đi nàoooo!!!”
(Chú thích: Những cái tên và chủ đề xuất hiện phía trên: T-REX, Mèo Catie, Cá mập, Rồng ba đầu, Kẹo, Đùi gà, Con mắt thứ ba, Gãy răng cửa… là những nhân vật và chủ đề mà BB rất yêu thích. Bạn hãy linh hoạt đổi sang những cái tên và chủ khác có sức hấp dẫn với con).
Rồi bạn sẽ thấy. Chúng không thể “rời tai” từ những giây phút đầu tiên.
- Hãy “làm cho” câu chuyện có liên quan tới trẻ.
Nhân vật chính trong những câu chuyện tôi kể cho HH và BB nghe trường có tên bắt đầu bằng H hoặc B (Ví dụ như: HiHi, HaHa, BiBi, BưBư…^_^). Nếu tên con là Đậu Đỏ thì bạn hãy kể chuyện về Đỗ Xanh. Tương tự như thế, kể chuyện về Dê cho Cừu, về Sữa Chua cho Milo, về Cam cho Táo, về Mít cho Bơ, về Ngô cho Bắp, về Biển cho Hải, về Mứt cho Tết…
Thông minh, nhưng rất ngây thơ, trẻ sẽ tự động sự liên tưởng câu chuyện với bản thân mình.
- Giữ câu chuyện ngắn gọn và hồi hộp. Bạn thử kể một câu chuyện dài lê thê và “chán òm” xem. Các đôi mắt sẽ thôi không còn tò mò và trẻ sẽ quay lưng bỏ đi trong tích tắc.
- Hãy thêm những tình huống hài hước. Bạn là người kể chuyện giỏi nếu có thể làm trẻ bật cười sung sướng. T-REX nấc cụt, Rồng nói lắp, Mèo Catie hắt xì làm bay cả cái gối…
Thêm một chút hài hước thế giới sẽ khác đi, bạn đồng ý chứ? Nếu vui vẻ, trẻ sẽ muốn nghe thêm và sẽ nài nỉ “Nữa đi mẹ…” kể cả khi bạn đã “Thôi nhé!” cả chục lần.
Nhưng tôi không biết kể chuyện! Sao bạn biết? Bạn đã thử chưa? Nếu chưa thể tự nghĩ ra những câu chuyện hay và “hợp lúc” để kể cho con thì bạn luôn có thể kể lại những câu chuyện mà bạn đọc được, hay được nghe từ người khác.
Nếu vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu thì bạn có thể bắt đầu với hai cuốn truyện mà tôi giới thiệu phía dưới bài viết. Chúng có thể giúp bạn có đủ chuyện để kể cho con trong cả năm dài ^.^.
Có một điều nho nhỏ mà tôi muốn chia sẻ cùng bạn: Đó là ban đầu có thể ta chỉ muốn kể chuyện cho trẻ nghe, nhưng rồi thú vị làm sao, càng đọc và kể chuyện, ta càng thấy bản thân mình học được nhiều điều mới mẻ.
Và hãy luôn nhớ Where there’s a will, there’s a way. Nếu bạn thực sự muốn tìm ra cách giao tiếp hiệu quả với trẻ, bạn sẽ làm được.
Chúc bạn bắt đầu hành trình trở thành Người – Kể – Chuyện một cách đầy hứng thú!
Hẹn gặp bạn sáng thứ Bẩy tuần sau!
365 NGÀY KỂ CHUYỆN (Dolores Lanzas)
Link Tiki: https://tiki.vn/365-ngay-ke-chuyen-p139594414.html?spid=139594415
NGỤ NGÔN AESOP (Fiona Waters & Fulvio Testa)
Link Tiki: https://tiki.vn/ngu-ngon-aesop-tai-ban-2020-p52805065.html?spid=52805067
Và đây là cuốn DỐC HẾT TRÁI TIM
#Hãy yêu khi mọi điều còn chưa cũ#
Next in Góc Ấm: POLLYANNA – CÁCH CÙNG TRẺ VƯỢT QUA NHỮNG TÌNH HUỐNG KHÓ KHĂN