Pollyanna
Pollyanna là tên một cuốn sách được viết năm 1913 bởi tác giả người Mỹ Eleanor H. Porter. Tác giả kể câu chuyện về Pollyanna – một cô bé đáng yêu có biệt tài tìm thấy mặt tích cực trong tất cả các tình huống tệ hại mà cô gặp phải.
Tác phẩm được độc giả đón nhận nhiệt liệt, và sau đó còn được chuyển thể thành phim. Sau khi đọc những review rất tốt về nội dung cuốn sách, tôi đã mua về cho HH đọc.
Trong một lần trò chuyện trước khi đi ngủ, HH kể lại cho tôi nghe nội dung câu chuyện. Con không giấu được sự ngưỡng mộ và cảm mến dành cho Pollyanna, khi mà cô bé có thể ngay lập tức tìm thấy điều tích cực trong những tình huống hết sức “thê thảm”.
Tôi, lòng mừng rỡ vì mua được sách hay cho con, đã hi vọng con cũng sẽ có được tâm lý tích cực như thế khi đón nhận mọi điều xảy đến trong đời.
Tâm lý học tích cực (Positive Psychology)
Những năm gần đây, tôi thích tìm hiểu về tâm lý học, và biết tới những cái tên như Martin Seligman hay Mihaly Csikszentmihalyi thông qua khá nhiều cuốn sách mà tôi đã đọc.
Tâm lý học tích cực được khởi xướng bởi Martin Seligman khoảng hơn hai mươi năm trước. Khi đó, ông là chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ. Nhánh nghiên cứu mới này tập trung vào những gì làm cho con người cảm thấy cuộc đời đáng sống, gắn kết và có ý nghĩa.
Vì những lợi ích về tinh thần mà bản thân có được từ việc biết tới và ứng dụng tâm lý học tích cực, tôi thường cân nhắc áp dụng những điều mình học hỏi được vào mối quan hệ với những người xung quanh.
Tới bây giờ tôi vẫn là “tín đồ” của nhánh tâm lý này. Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu hơn, tôi nhận ra nhiều điều cần lưu tâm khi áp dụng Tâm lý học tích cực vào đời sống hàng ngày.
Hội chứng tâm lý hiếm gặp
Rất lâu sau khi HH kể cho tôi nghe về Pollyanna, tôi đọc từ cuốn sách khác về một hội chứng tâm lý có cái tên làm tôi ngỡ ngàng trong giây lát – Hội chứng Pollyanna. Những người mắc phải hội chứng này thường bị coi là lạc quan thái quá trong mọi tình huống. Và đôi khi thái độ này gây hại cho chính họ.
Những sự kiện xảy ra trong cuộc đời, nếu không như ý muốn nhưng không quá nặng nề, chẳng hạn mất một khoản tiền nhỏ, làm rách chiếc váy yêu thích hay bất đồng với bạn bè sẽ cần ta có thái độ tích cực để tìm ra cách khắc phục thay vì đắm chìm vào đó.
Nhưng một số tình huống có thể thực sự tồi tệ, như khi người thân qua đời, mất việc, bị phản bội, phá sản… Những gì xảy ra có thể nhấn chìm ta trong nỗi đau tột cùng, đi kèm với đó là sự thất vọng, vụn vỡ niềm tin, thậm chí là tuyệt vọng.
Trong giai đoạn khó khăn như vậy, nếu ta lại tạo thêm áp lực cho chính mình để tìm ra mặt tích cực của vấn đề với những nỗ lực để bước tiếp, thì ta có thể dễ dàng thất vọng về bản thân vì cố đến vậy mà vẫn thấy mình đắm chìm trong đau đớn. Vết thương còn đang hé miệng lại bị cứa thêm lần nữa. Càng vẫy vùng, ta càng thấy mình tụt sâu thêm trong cái hố đau khổ và tuyệt vọng.
Tôi học được rằng trong những tình huống đó, ta cần chậm lại để yêu thương chính bản thân mình, không phải bằng cách cố tìm ngay lý do để thấy vui vẻ trở lại và quên đi nỗi đau đớn. Mà là cho mình một khoảng thời gian đủ dài để sống với nỗi đau và dần chấp nhận chuyện đã xảy ra. Rồi ta sẽ học được những bài học, và sẽ đứng dậy bước tiếp.
Cùng con đi qua những giai đoạn khó khăn
Thật may mắn vì khi còn sống cùng cha mẹ, con thường không gặp phải những tình huống mà tôi vừa đem ra làm ví dụ. Nhưng không vì thế mà ta coi nhẹ cảm xúc của trẻ trước một số tình huống điển hình như bị bạn bè cô lập, nhận điểm kém sau rất nhiều nỗ lực cho một môn học nào đó, hay khi con suy sụp tới “tan nát trái tim” vì nhóm nhạc thần tượng tan rã.
Tin vào sự thông thái và từng trải của mình, ta thường đưa ra lời khuyên hoặc nhận xét gần như ngay lập tức.
“Sao phải buồn, con đã cố gắng rồi thì điểm kém cũng không sao cả”,
“Không chơi với bạn đó thì chơi cùng bạn khác, không thì về chơi với mẹ”,
“Nhóm nhạc nào rồi chả tới lúc ran rã hả con. Có khi họ sẽ có sự nghiệp solo thành công hơn ấy chứ. Đừng buồn!”
Nghe qua thì có vẻ như đó là những bậc cha mẹ tâm lý đấy chứ. Nhưng…
Đừng nói thế!
Thực tế là con chưa cần tới lời khuyên, con đang mắc kẹt trong những cảm xúc tệ hại, và con mong được nói ra với ai đó. Phủ nhận những cảm giác của con, hoặc thúc đẩy con phải tìm ra mặt tích cực để vượt qua tình huống đó ngay lập tức là những cách mà cha mẹ vô tình gây hại cho con, mặc dù chúng xuất phát từ tình thương con vô bờ bến và bản năng muốn thấy con hạnh phúc.
Hãy để con sống với nỗi buồn!
“Vậy à. Con buồn (thất vọng/khó chịu) lắm phải không?” – Con chỉ cần có vậy. Con có thể sẽ chia sẻ nhiều thêm nữa, hoặc cũng có thể lặng im nhưng con sẽ thấy nhẹ lòng vì được lắng nghe, được thấu hiểu và con yên tâm rằng con không sai khi có những cảm giác tệ hại như thế.
Rồi có thể con sẽ tự mình vượt qua. Hoặc con sẽ hỏi lời khuyên nơi cha mẹ. Khi đó cha mẹ hãy cân nhắc để đưa ra lời khuyên đúng đắn.
Những chia sẻ nói trên có thể không áp dụng trong những tình huống trẻ có những bệnh lý điển hình. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp này, thì những phản ứng nóng vội của cha mẹ nhằm giúp con nhanh chóng vượt qua các cảm xúc tiêu cực cũng chưa chắc đã giúp được con.
Tôi cho rằng một đứa trẻ bình thường có thể vượt qua phần lớn các tình huống khó khăn với niềm tin rằng “Cha mẹ luôn lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của mình. Mình có thể chia sẻ với cha mẹ tất cả mọi điều. Cha mẹ luôn ở đó để cho mình lời khuyên nếu mình cần”.
Bạn có thể thấy bất an khi chỉ đồng cảm mà bỏ mặc con tự đối mặt với những cảm xúc tệ hại. Vậy thì để tôi chia sẻ thêm trong các bài tiếp theo trên Góc Ấm về những cách thức ta có thể “bày” cho con để xử lý các cảm xúc tiêu cực. Ta sẽ hướng dẫn con những phương pháp này càng sớm càng tốt, để khi con “cần là có”. Con có thể tự giúp mình ngay cả khi không có cha mẹ kề bên.
Hãy nghĩ tới câu chuyện kinh điển về chú Sâu Bướm.
Chú cần rất nhiều nỗ lực trong đau đớn để tung đôi cánh xinh đẹp trên những cánh hoa.

Hẹn gặp bạn sáng thứ Bẩy tuần sau!
#Hãy yêu khi mọi điều còn chưa cũ#
Next in Góc Ấm: TÂM LÝ HỌC THÀNH CÔNG (*) – TƯ DUY ĐÚNG ĐỂ NUÔI DẠY CON THÀNH CÔNG VÀ HẠNH PHÚC
(*) Tên một cuốn sách của Carol S. Dweck – Giáo sư tâm lý học người Mỹ