Đôi khi cuộc sống đặt ta vào một ngã ba đường. Dừng lại, hay đi tiếp? Từ bỏ, hay cố thêm?
“Từ bỏ hay tiếp tục?” xem ra là một câu hỏi khó.
Trong bài viết ngày hôm nay, tôi sẽ kể câu chuyện về một bà lão, những con hổ, và vài suy nghĩ của chính tôi nơi ngã ba đường.
Trong cuốn sách đầu tiên của mình, tôi có nhắc tới Truyện cổ dân gian Châu Á. Đó là quyển truyện “kinh điển” đầu tiên của chị em tôi, mà tôi đã nhiều lần tìm cách mua lại cho HH, BB nhưng chưa tìm được.
Kinh điển vì trong cuốn sách dầy cộm, giấy vàng ngả nâu này là hàng trăm câu chuyện dí dỏm mà tôi đọc từ khi còn bé cho tới khi “lớn bằng ngần này” vẫn chưa thấy chúng bớt phần thú vị.
Bà già và quả bầu là một ví dụ.
Câu chuyển kể rằng…
Ngày xửa ngày xưa có một bà già nọ sống trong một căn nhà nhỏ bên rìa một cánh rừng hoang vu. Bà cô đơn vò võ một mình vì người con gái đã lớn sống cách biệt tận phía bên kia rừng rậm. Bị giày vò bởi nỗi nhớ con nên một ngày nọ bà quyết định vượt rừng tới thăm con gái.
Bà càng đi sâu vào rừng thì mọi thứ càng trở nên tăm tối. Đang dò dẫm từng bước, bà bỗng lạnh sống lưng bởi tiếng gầm gừ. Tiếp sau đó là tràng cười ha hả “Cuối cùng thì bữa trưa cũng từ trên trời rơi xuống”. Run lẩy bẩy, bà lão hé mắt và nhận ra mình đang nằm trong vòng vây của mười con sư tử đói. Lũ sư tử chồm tới, bà lão trong cơn hoảng loạn chỉ biết lắp bắp “Xin tha cho tôi, tôi đang trên đường tới thăm con gái”. “Thế thì sao ta phải tha cho bà chứ?” – Lũ sư tử càng cười lớn và giương sẵn móng vuốt đợi xé xác bà. Một tia sáng bỗng loé lên trong đầu bà lão. “Các ông nhìn này” – bà nói giọng run lẩy bẩy – “ Tôi gầy giơ xương, các ông nhai chỉ tổ đau răng. Chi bằng các ông nán lại đợi tôi tới thăm con gái. Con gái tôi sẽ chăm tôi béo tốt. Khi đó các ông sẽ có bữa chén no nê”. “Hừm” – Lũ sư tử khựng lại và thì thào bàn bạc với nhau. Sau đó một con sư tử ra dáng đầu đàn gầm gừ vào tai bà “Được. Bà hãy lo ăn uống cho béo tốt. Đúng một tháng nữa bà phải quay lại đây cho chúng ta đánh chén. Nếu bà không giữ lời thì đừng có trách”. Chỉ nghe có thế, bà lão lập cập đứng dậy và chạy một mạch xuyên rừng tới nhà con gái.
Hai mẹ con bà lão mừng mừng tủi tủi gặp nhau sau bao ngày xa cách. Quả thật, người con có hiếu đã chăm sóc bà chu đáo nên chỉ sau một tháng, bà đã béo tốt hồng hào. Đó cũng là lúc bà nhớ tới lời hẹn với lũ sư tử đói. Bà âu sầu kể lại cho con gái nghe câu chuyện. Người con ôm lấy mẹ “Mẹ đừng lo, con đã có cách để mẹ về nhà an toàn”. Nói đoạn cô ra vườn, cắt một quả bầu khổng lồ và khoét sạch ruột. “Mẹ hãy chui vào đây rồi lăn quả bầu xuyên rừng để che mắt lũ sư tử”. Bà lão nghe lời nằm cuộn trong quả bầu và lăn trở lại cánh rừng hoang vắng. Lăn mãi, lăn mãi, tới một lúc bà nghe thấy tiếng gầm gừ. Tim bà đập loạn xạ, mồ hôi ướt áo nhưng nhớ lời con gái dặn, bà bình tĩnh lăn tiếp. Tiếng gầm gừ xa dần, bà thở phào và bỗng nhiên tưởng tưởng ra gương mặt ngốc nghếch của lũ sư tử vừa bị qua mặt. Và thế là bà bật cười. Bà càng khoái chí thì cơn cười càng trở nên mất kiểm soát. Bà lăn lộn gập bụng trong những tiếng ha ha, quả bầu mất nhịp nhảy tưng tưng tưng trên con đường mòn, và va vào những tảng đá sắc. Quả bầu vỡ tan, và thế là lũ sư tử lao tới xơi gọn bà lão đáng thương.
Hết truyện!
Câu chuyện dạy bé điều gì? Chúng ta hay hỏi lũ trẻ như thế. Đáng tiếc thay, không phải khi nào ta cũng có lời giải đáp thoả đáng cho những đôi mắt đen lay láy.
HH bất bình “Sao câu chuyện lại kết thúc như thế?”. Tôi mặc dù có đưa ra vài lời giải thích vòng vo, nhưng trong lòng cũng có cùng thắc mắc.
Gần đây tôi có kể lại câu chuyện này cho một đồng nghiệp thân thiết. Và chúng tôi thống nhất rằng câu chuyện răn ta không nên cười vô duyên không đúng lúc (haha). Ví dụ như khi sếp đang cáu tiết thì đừng có phá lên cười ngặt nghẽo kẻo mà rước hoạ vào thân.
Những ngày vừa qua tôi phải đưa ra vài quyết định quan trọng. Bỗng nhớ tới Bà già và quả bầu và có vài liên tưởng nho nhỏ. Có lẽ đợi HH và BB lớn thêm, tôi sẽ trả lời cho các con câu hỏi Câu chuyện dạy bé điều gì?
- Quả bầu tượng trưng cho những gì đang làm ta cảm thấy an toàn: Một mối quan hệ, một công việc, một mái nhà…
- Ở trong quả bầu thì không bị hổ ăn thịt, nhưng cũng không dễ chịu thoải mái chút nào: Chật chội, bí bức, không có ánh sáng…
- Những con hổ tượng trưng cho những khó khăn, thử thách bên ngoài vùng an toàn.
- Hành động cười của bà lão tượng trưng cho những hành động không kiểm soát, không lường trước những vấn đề mình có thể gặp phải.
Vậy thì: Bạn có đang ở trong quả bầu nào không: Một công việc nhiều mất mãn , một mối quan hệ không như ý, một mái ấm mà thật ra rất lạnh?
Từ kinh nghiệm đau thương của bà lão:
- Nếu bạn muốn ra khỏi quả bầu, hãy chuẩn bị sẵn tinh thần đối mặt với những con hổ.
Từ bỏ một công việc mệt mỏi, thoát khỏi một mối quan hệ nhiều ức chế, ra khỏi một mái nhà không yên ấm – đó luôn là lựa chọn của bạn. Nhưng hãy lường trước mọi khó khăn có thể xảy tới, và chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với chúng.
2. Nếu bạn không đủ can đảm, hoặc sức khoẻ, hoặc mưu trí để đánh nhau với hổ, thì hãy yên lòng ở lại quả bầu (và nhớ là chỉ nên cười duyên dáng thôi).
Ra đi và từ bỏ không phải luôn là lựa chọn tối ưu. Đôi khi việc ở lại, nhẫn nhịn, chịu đựng và cố gắng để đi tới cuối con đường mới là ý nghĩa thực sự của cuộc đời.
Khi nào muốn ra khỏi quả bầu thì hãy nhớ tới bà lão nhé.
Còn giờ thì chúng ta cùng tập cười duyên dáng nào!
#Hãy yêu khi mọi điều còn chưa cũ#