Khai bút đầu Xuân
Hôm nay là ngày Mồng Bốn Tết rồi.
Tết đã gần hết. Những bộn bề xen lẫn thảnh thơi của Tết đang dần nhường chỗ cho bao chộn rộn của những – ngày – không – Tết.
Xin tạm biệt Tết bằng bức ảnh HH chụp mẹ bên những cánh đào phai. Hẹn gặp em sau mười hai tháng nữa nhé.
Năm mới kể chuyện cá Măng
Tôi biết tới chú cá Măng khi đọc một cuốn sách của học giả Nguyễn Duy Cần.
Cá Măng có một đặc điểm hết sức thú vị. Ấy là một khi đã xác định rõ con mồi thì chú sẽ đuổi bắt cho kỳ được. Bất kể xung quanh có con mồi nào khác hấp dẫn tới đâu cũng không thể làm cá Măng của chúng ta mảy may xao nhãng mà rời mắt khỏi mục tiêu ban đầu.
Đọc về cá Măng lại nghĩ tới bản thân mình. Định kỳ, nhất là đầu năm mới, ta thường lên kế hoạch, xác định mục tiêu đủ cả. Nhưng mấy ai có được sự tập trung và tinh thần kiên định như cá Măng kia để mà theo đuổi tới cùng những gì mình đã vẽ ra?
Ta nên “ép” ta tới đâu?
Từ khi HH còn bé, tôi luôn muốn cho con học một loại nhạc cụ nào đó. Chẳng mơ ước điều gì quá xa xôi, tôi đơn giản chỉ mong con thấy được vẻ đẹp của từng nốt nhạc.
Bắt đầu với Piano, tôi gửi HH theo học một trung tâm gần nhà khi con mới tầm bốn, năm tuổi.
Cả nhà nghi hoặc, ra sức can ngăn là con còn bé quá, rồi con làm gì có năng khiếu. Một mình tôi yếu ớt “chống chọi” cho tới khi bà nội HH thuật lại rằng bà nghe con hỏi thầy “Con có thể đánh đàn bằng chân không?” thì tôi đầu hàng.
Lớn thêm chút nữa, tôi mua đàn Guitar và đóng tiền cho cả một khoá học dài. Tôi nhìn con tóc xoã ngang vai ôm đàn mà xúc động. Nhưng con cũng chỉ hào hứng được vài hôm, rồi than đau tay, bỏ xó cái đàn.
Vậy là sau “cú trượt” này, gần như cả đại gia đình thống nhất “nhà mình không có gen nghệ thuật, từ giờ không nhạc hoạ gì nữa cho đỡ phí thời gian”.
Tôi, tuy trong lòng có chút lung lay, vẫn bị níu kéo bởi “vẻ đẹp của từng nốt nhạc”, nên cách đây vài năm lại kiên quyết mua đàn Piano cho con bắt đầu tập lại. Bố HH tặc lưỡi chiều theo, nhưng vẻ mặt xem chừng muốn nói “Để rồi xem có nên cơm cháo gì không!”.
Chúng tôi thuê một cô giáo rất trẻ tới nhà kèm con học. Cô nghiêm túc, và đòi hỏi khá cao, nên chỉ mấy hôm là HH mếu máo “Mẹ ơi, cho con dừng tập nhé. Con sợ chị quá!”.
Tôi khi ấy chưa biết tới chú cá Măng, nhưng phần vì đàn to … ngại dọn nên thủ thỉ an ủi “Con cứ kiên trì tập thêm. Mẹ cũng sẽ nói chuyện cùng chị”.
Tôi chia sẻ với cô dạy đàn, để cô hiểu tính con thêm, và cũng thẳng thắn nói với HH rằng lần này sẽ không dừng lại. “Mẹ con mình sẽ điều chỉnh mục tiêu, nhưng nhất định không bỏ cuộc giữa chừng con ạ!”.
Vậy mà vài năm cũng đã trôi qua. Cô giáo dạy đàn nay trở nên quen thuộc và thân thiết với gia đình tôi. HH cũng gắn bó với cây đàn, đặc biệt sau mấy mùa cách ly vì Covid.
Mục tiêu của tôi giờ đây đã thành hiện thực. HH tìm được vẻ đẹp trong những nốt nhạc. Còn tôi thì tìm được niềm hạnh phúc khi ngắm nhìn những ngón tay dài mảnh khảnh lướt trên phím đàn.
Quan trọng hơn, cả tôi và con đều hiểu ra rằng, một khi đã đặt mục tiêu, hãy điều chỉnh chứ đừng từ bỏ. Ít nhất ta cũng sẽ tới được cuối con đường, cho dù đường có thể gập ghềnh dài ngắn khác nhau.
Phần thưởng lớn nhất dành tặng cho người không bỏ cuộc là một chỉ số mà Mayumi Arikawa, một tác giả người Nhật, gọi là “chỉ số tự tin”.
Chỉ số tự tin
Theo Mayumi Arikawa, những người thành công là những người có chỉ số tự tin cao. Chỉ số này sẽ được cộng dồn lại sau rất nhiều lần nỗ lực để hoàn thành công việc hoặc mục tiêu định sẵn. Có những người tư chất thông minh, nhưng có thói quen bỏ cuộc ngay khi gặp chướng ngại vật đầu tiên. Chỉ số tự tin của họ giảm dần. Vài lần như thế họ sẽ tự ám thị rằng “Rồi mình lại sẽ bỏ cuộc thôi, mình chẳng làm nên trò trống gì cả”. Và quả đúng là như thế thật.
Lại có những người IQ vừa phải, nhưng họ có được tính nhẫn nại và nỗ lực bền bỉ. Việc khó thì cố mãi cũng xong, không bằng cách này thì bằng cách khác. Rồi dần dà, họ sở hữu một chỉ số tự tin rất cao ở bản thân. Đứng trước mọi thách thức, họ không ngại nói với bản thân “Dù thế nào mình cũng vượt qua thôi”.
Những người thành công và hạnh phúc là những người có chỉ số tự tin cao. Nhưng, chưa xét tới thành công hay hạnh phúc, ta đâu có muốn trở thành một người luôn tự kỷ ám thị rằng “Rồi tôi sẽ bỏ cuộc thôi mà”.
Vậy thì, ta hãy cân nhắc kỹ trước khi xác định mục tiêu, và điều chỉnh khi cần.
Nhưng hãy “uyển chuyển” học theo chú cá Măng, đừng bỏ cuộc!
Chúc bạn và tôi một năm mới nhiều niềm vui!
#Hãy yêu khi mọi điều còn chưa cũ#
Cho chị contact của cô dạy đàn với!
Vâng, để em nhắn riêng cho chị nhé. Cô ở gần khu nhà chị đấy!
Ôi e sẽ là chú cá măng năm 2023 🙂
Đúng, em sẽ là một chú cá Măng khổng lồ!
Đọc bài viết của chị lại thôi thúc em quyết tâm đừng bỏ cuộc, hãy trở nên bền bỉ hơn 🥰
Yayyyy, cố lên!!!