Một vài năm sau ngày cưới, tôi bước vào giai đoạn “mắt mở to sau hôn nhân”.
Tôi càng muốn anh là Bờ Vai, Chị Tâm Giao, Người Che Chở thì anh lại càng giống … chính bản thân anh. Trước khi kết luận mình đã chọn sai người, tôi quyết tìm hiểu xem liệu có phải những hiểu biết của tôi về tâm lý đàn ông còn quá hạn hẹp không.
Và thế là tôi tìm đọc cuốn Đàn ông sao Hoả, đàn bà sao Kim của John Gray.
Lý thuyết về cái hang
Lý thuyết này là của John Gray, không phải của tôi. Ông phân tích lý do vì sao đàn ông lại cần tới những cái hang. Vì họ tới từ sao Hoả – ông bảo thế. Mà người sao Hoả thì cứ định kỳ lâu lâu sẽ lại cần khoảng thời gian xa cách với người khác để ngẫm nghĩ sự đời, để xạc lại năng lượng. Nếu không được vào hang, họ sẽ trở nên thờ ơ, xa cách, thậm chí cáu bẳn, khó ưa.
Ông còn “doạ” thêm rằng nếu chúng ta (là những người tới từ sao Kim) mon men đứng cửa, hoặc cố tình để vài thứ trong hang hòng nhắc nhở người sao Hoả về nghĩa vụ này kia, thì thậm chí họ sẽ còn trốn biệt, hoặc càng thêm thờ ơ, xa cách.
Đó, John Gray nói vậy. Chắc là ông nói đúng vì ông từ sao Hoả tới. Tôi khi đó cảm thấy lý thuyết về cái hang khá là hữu ích. Nó giúp tôi hiểu rằng mỗi sự xa cách đều cần thiết, và hoàn toàn không có bất cứ lỗi lầm nào từ phía tôi hết cả. Tôi chỉ cần để anh yên trong hang là được.
John Gray còn đưa ra vài lý thuyết khác, như Sợi dây chun, Thuỷ triều… Bạn có thể đọc cuốn sách của ông nếu muốn tìm hiểu thêm về những gì người tới từ sao Hoả này tin là đúng.
Phát ngôn của người sao Kim
Tôi đến từ sao Kim, và tôi chắn chắn John Gray đã “cố tình” không nhắc tới, hoặc không biết tới một thực tế rằng: Phụ nữ cũng cần những cái hang y như đàn ông vậy.
Tôi không chắc bao nhiêu trong số chúng ta được tận hưởng mỗi ngày trôi qua một cách dịu dàng, yên tĩnh và thảnh thơi. Chỉ biết số đông đều phải gánh vác rất nhiều vai trò, kèm theo đó là vô số nhiệm vụ cần thực hiện.
Những ồn ào của công việc, và của cuộc sống gia đình chỉ tạm lắng khi ta ngả lưng xuống giường sau một ngày dài bận rộn. Nhưng ngay cả khi đó, tiếng ồn ào trong tâm trí dường như vẫn chưa dứt tiếng. Ta thiếp đi, và tỉnh dậy vào sáng hôm sau với những vai trò cũ cùng vô số các nhiệm vụ mới.
Hãy nghĩ tới dấu cách giữa các từ, và khoảng lặng giữa các nốt nhạc.
Thiếu chúng, bài văn sẽ thành mớ hỗn độn, và bản nhạc sẽ thành một thứ âm thanh chói tai. Cả năm dài cần những khoảnh khắc giao mùa. Để ta được tận hưởng cái rét ngọt sau một mùa dài nóng nực, và để tia nắng ấm áp đầu mùa sưởi ấm những tháng mưa phùn gió bấc.
Cuộc sống của ta cũng là một bản nhạc dài. Ta cần khoảng lặng – trong những cái hang của mình.
Cái hang của tôi
Khi chưa lập gia đình, tôi ở phòng riêng. Cái sự riêng tư đó trở nên xa xỉ sau khi tôi mời một người đàn ông bước vào cuộc đời mình, rồi dần dà kéo thêm hai đứa trẻ phần – lớn – thời – gian – là – ồn – ã.
Đúng, đó là quyết định của tôi, và tôi sẽ vẫn luôn trân trọng những phút giây ngọt ngào bên họ. Nhưng rồi tôi nhận ra mình có thể trở nên cáu kỉnh, “thiếu dễ thương” ra sao khi toàn bộ không gian và thời gian của tôi bị lấp đầy.
Tôi cần cái hang!
Chúng tôi ra ở riêng từ rất sớm, khi HH mới được vài tháng tuổi. Căn nhà ấm áp, nhưng cách bài trí thừa hưởng từ người chủ cũ không cho tôi một góc nào thực sự riêng tư. Chỉ tới khi chuyển sang căn hộ tôi đang ở bây giờ, cái hang của tôi mới thành hiện thực.
Đó chỉ là một góc xô – pha kê sát tường. Nhưng góc đó có tất cả những gì làm tôi dịu dàng trở lại. Tôi có đèn ấm, gối êm, nhạc dịu, sách hay, cà phê thơm, và vườn cây xanh bên cạnh.

Nghe theo lời khuyên của một tác giả người Nhật mà tôi rất yêu thích, Emiko Kato, tôi sắp xếp sao cho mọi thứ trong tầm nhìn đều gọn gàng, ngăn nắp, và xinh đẹp.
Hang có đây rồi…nhưng bạn vẫn nhớ lý thuyết của John Gray chứ? Cái hang chỉ có tác dụng khi bạn được ở một mình. Vậy là tôi phải cố gắng thu xếp sao cho mỗi ngày tôi có ít nhất một tiếng trong hang mà không bị “làm phiền” bởi người sao Hoả, và kẻ – ôm – mèo bé nhỏ đến từ sao Kim.
Thức dậy sớm, ngồi trong góc ấm, tôi thấy mình như một chiếc điện thoại đang được xạc pin. Giữa không gian yên tĩnh của buổi sáng và ngắm những thứ xinh đẹp xung quanh, tôi thực sự hiểu được cảm giác “biết đủ” mà mọi người thường hay nói tới.
Vào những hôm trời mưa, tôi ngồi uống cà phê nghe tiếng mưa rào rào ngoài vườn cây, thấy không cần gì thêm nữa để hạnh phúc.
Safe place – Nơi chốn an toàn
Gần đây tôi có nghe bài nói chuyện khá hay của Chi Nguyễn – một Podcaster mà tôi rất yêu thích. Bạn kể về trải nghiệm đi trị liệu tâm lý. Bác sỹ sử dụng liệu pháp “hình dung ra một nơi chốn an toàn” để giúp bệnh nhân đang bị rối loạn lo âu bình tĩnh trở lại. Nơi chốn này là một địa điểm có thật, hoặc chỉ trong tưởng tượng, nhưng mỗi khi nghĩ tới, bạn lại cảm thấy an toàn, và được che chở.
Tôi lập tức nghĩ tới Góc Ấm – cái hang của tôi. Hoá ra bao lâu nay tôi được “trị liệu tâm lý” mà không biết.
Tôi nhớ lại một vài khoảnh khắc, giữa những bộn bề của công việc, đột nhiên tôi nghĩ tới góc xô – pha, và thấy bình tâm trở lại. Và có cả những ngày không muốn bước chân khỏi cửa, nhưng khi nhìn lại Góc Ấm, tôi lại tự động viên mình “Cố lên nào, rồi sẽ quay lại chỗ ấm êm kia”.

Ta hay mơ mộng về những thứ lớn lao. Sự nghiệp thành công, gia đình hạnh phúc, những dự án cá nhân suôn sẻ. Nhưng ngay tại lúc này, không cần đợi tới cuối con đường, ta đã có thể tặng bản thân nhiều điều ngọt ngào nho nhỏ – như việc tạo dựng cho mình một nơi chốn bình yên.
Thật tuyệt vời khi ta CÓ nơi chốn đó, chứ không phải chỉ hình dung về nó.
Bạn đã có safe place cho mình rồi chứ? Nếu chưa thì hãy bắt tay vào xây hang đi nhé!
Và hãy chia sẻ Góc Ấm của bạn, tôi rất nóng lòng muốn được xem chúng!
Hẹn gặp bạn sáng thứ Bẩy tuần sau!
#Hãy yêu khi mọi điều còn chưa cũ#
Next in Góc Ấm: LÀM GÌ KHI MẤT ĐỘNG LỰC?
1 thought on “NƠI CHỐN BÌNH YÊN CỦA TÂM HỒN”
Comments are closed.