Động lực và cảm hứng đóng vai trò gì trong cuộc sống? Ta phải làm gì để duy trì động lực? Và làm gì khi cố mãi mà động lực vẫn cứ “bỏ ta mà đi”?
Bài viết này kể câu chuyện về Con sên, Haruki Murakami, và cách để đi đến cuối con đường.
Con sên
Là tôi. Tôi mới bắt đầu chạy bộ được vài tuần.
Tôi dành cả thời thanh xuân để trốn tránh việc tập thể dục. Chạy bộ, đạp xe, tập gym, yoga, thể dục nhịp điệu … nằm ngoài từ điển yêu thích của tôi. Đó là những gì người khác làm, không liên quan gì tới tôi cả.
Sếp cũ luôn khiến tôi “wow” trước thành tích thể dục thể thao của chị. Chạy Marathon đường núi 40 cây số, Triathlon ba môn phối hợp, đạp xe vài chục km mỗi ngày cuối tuần, bơi dọc ngang sông Hồng… Ngoài việc “wowww” không ngớt khi ngắm chị mạnh khoẻ tràn đầy năng lượng thì tôi có dặn mình học chị … uống thêm chút nước mỗi ngày.
Thế mà mới gần đây thôi, tôi quyết định dấn bước vào “con đường chông gai” này – bắt đầu với hai buổi chạy bộ mỗi tuần. Tất cả khởi nguồn từ một bài nghiên cứu có tên là “Dallas Bed Rest and Training Study” (Nghiên cứu nghỉ ngơi trên giường và luyện tập Dallas) mà tôi đọc được trong cuốn Đừng làm việc chăm chỉ, hãy làm việc thông minh của Tony Schwartz.
“… các nhà nghiên cứu tại Trường Y Southwestern ở Dallas đã tìm kiếm 6 sinh viên đại học và yêu cầu họ dành cả mùa hè trên giường. Mục đích là để kiểm tra xem việc này ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ của họ, đặc biệt là sức khoẻ tim mạch và các chức năng phổi. Chỉ sau 3 tuần trên giường, những đối tượng này đã bị suy giảm chức năng tim mạch tương đương với việc bị già đi 20 tuổi…
… Sau 30 năm, 5 trong số 6 đối tượng được kiểm tra lại. Chỉ có 2 người tiếp tục tập luyện thường xuyên, còn tất cả những người còn lại đều bị tăng cân, và cơ thể nhiều mỡ thừa. Thậm chí như thế, sự suy giảm chức năng sau 30 năm vẫn ít hơn sự duy giảm mà họ gánh chịu sau 3 tuần nằm trên giường.”
Khiếp vía với kết quả của bài nghiên cứu, tôi, không trì hoãn thêm một tuần nào nữa, quyết định mua vé phòng tập Gym. Và mua hẳn ba tháng liên tiếp.
Giày mấy đôi có sẵn, quần áo tập đủ cả, thế là tôi lên máy chạy.
Và tôi thấy mình giống một con sên ngay khi chạy được tầm 0.5 km.
Khác xa những bước chạy tự tin, gương mặt tươi tỉnh trên những hình ảnh quảng cáo treo khắp phòng tập Gym, tôi thấy mình lệt xệt, rệu rã, ì ạch và không ngừng nghĩ tới việc thò tay nhấn nút Stop để chấm dứt những khổ sở này.
Rồi tôi nghĩ tới Haruki Murakami.
Tôi nói gì khi nói về chạy bộ
Đây là cuốn sách của nhà văn nổi tiếng người Nhật Bản – Haruki Murakami. Khác với Rừng Na Uy, Biên niên ký Chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển,… Tôi nói gì khi nói về chạy bộ là cuốn tự truyện về hành trình trở thành một người chạy cừ khôi và những liên tưởng, suy ngẫm của chính tác giả trong từng bước chạy.
Khi tôi mệt rũ trên máy chạy bộ dù mới chỉ bắt đầu được tầm chục phút, thì tôi bắt đầu nghĩ tới hành trình 26,2 dặm của Murakami. Ông đã chạy bộ, suốt 42 cây số từ Athens tới Marathon trong cái nóng “không thể tin nổi” của Hy Lạp vào năm 1983.
Chưa dừng ở đó, năm 1996, ông lại tiếp tục chạy – một – mạch 100 cây số ở Hokkaido. Tôi muốn nhấn mạnh cụm từ “chạy một mạch” – nghĩa là ông đã không hề đi bộ trong suốt các hành trình dài dằng dặc giữa các điểm dừng chân. Trong những đau đớn của cơ thể, ông tự nói với mình “Dù có chạy chậm thế nào đi chăng nữa, tôi cũng nhất định không đi bộ. Đó là nguyên tắc. Vi phạm nguyên tắc dù chỉ một lần thôi, tôi chắc chắn sẽ vi phạm nhiều lần nữa.”
Murakami yêu thích chạy bộ, rõ ràng là thế. Nhưng trong những dặm cuối của mỗi cuộc Marathon, ông không chạy với niềm hứng khởi, sung sướng hay những cảm giác đại loại như vậy.
Khi chạy ở Athens, đây là những gì ông cảm thấy: “Tới đâu như dặm thứ hai mươi ba thì tôi bắt đầu căm ghét mọi thứ. Đủ rồi! Sức lực của mình đã cạn sạch rồi, mình không muốn chạy nữa.”, rồi “giận dữ”, “bực bội không dứt”, và cả “điên tiết” trong những dặm cuối cùng.
Vậy đó, giống như Murakami, ta thường bắt đầu làm một việc (mà ta yêu thích) với sự chuẩn bị kỹ càng, niềm hứng khởi, và quyết tâm cao độ. Nhưng rồi sớm muộn sau vạch xuất phát, ta có thể được trải nghiệm một hoặc nhiều cảm giác “điên rồ”. Chúng cho ta đủ lý do để dừng lại. Ta viện vào đó để bao biện rằng nếu đó là việc đáng làm thì nó đã không khổ sở như này. Và vì nó khổ sở thế, ta không cần phải tiếp tục nữa.
Giờ thì tôi hiểu vì sao Murakami vừa là một người chạy cừ khôi, và cũng là một nhà văn đại tài.
Động lực & cảm hứng
Những từ ngữ như “motivation” hay “inspiration ” rất hay được sử dụng, vì chúng dễ “gây nghiện” và khá lọt tai. Chúng mang lại cảm giác hứng khởi để bắt đầu. Nhưng chúng cũng là con dao hai lưỡi. Khi ta không còn thấy thoải mái, hay bị mất động lực vì những khó khăn gặp phải, ta muốn dừng cuộc hành trình.
Chúng ta cần cảm hứng để bắt đầu một công việc mới, một dự án mới, một nhiệm vụ mới. Nhưng sau đó, cái ta cần hơn lại là sự bền bỉ, và nỗ lực, trong cảm giác nhàm chán, và đôi khi là đau đớn, để không dừng lại và tiến bước. Đó cũng là cách thực hành lối tư duy phát triển theo lời khuyên của giáo sư Carol S. Dweck trong cuốn Tâm lý học thành công mà tôi đã giới thiệu ở bài viết trước.
Con sên là tôi đã ghi nhớ kỹ câu thần chú của Murakami cho lần chạy tới. “Mình không phải là người. Mình là một cái máy. Mình không cần phải cảm thấy thứ gì cả. Cứ tiến lên phía trước.” (^.^). Ông đã lặp đi lặp lại suy nghĩ này để hoàn thành đường chạy 100 cây số. Còn tôi sẽ áp dụng để đạt được mục tiêu 5 km chạy không nghỉ.
(À mà nếu bạn tò mò, thì hiện giờ thành tích của tôi đang ở mức xấp xỉ 3 km. Wowww!!!).
Tôi nói gì khi nói về chạy bộ là một cuốn sách rất đáng đọc, khi bạn chuẩn bị bước chân vào đường chạy, hoặc trước bất cứ dự án dài hơi nào mà bạn có thể dự cảm là “động lực” hay “cảm hứng” sẽ sớm hay muộn tuột khỏi bản thân mình như cát dần lọt qua kẽ tay.
Tôi thường bị Mr. Right, người đã sống cùng tôi mười lăm năm nhắc nhở sau mỗi lần chúng tôi nói chuyện: “Loằng ngoằng quá, em kết luận đi nào!”. Vâng, tôi xin được “kết luận” ở vài dấu chấm dưới đây, cho chính mình, và cho tất cả những ai cần tới:
- Thật tuyệt khi có thể tìm được động lực và niềm cảm hứng để quyết định đặt chân vào vạch xuất phát. Nhưng hãy luôn chuẩn bị tinh thần cho việc mất đi động lực ấy khi ta đang nhọc nhằn cất bước trên đường đua.
- Nếu vừa đi được vài chặng đường mà ta cảm thấy mất hứng, mệt mỏi thì ĐỪNG dừng lại. Ta có thể điều chỉnh kỳ vọng và mục tiêu, miễn là đích tới không phải ngay chính điểm ta đang đặt đôi chân mệt mỏi.
- Tôi chưa từng chứng kiến ai luôn “hưng phấn cao độ” khi thực hiện những dự án dài hơi và khó khăn. Nhưng tôi luôn được chứng kiến những người dừng lại, và những người đi tiếp. Thế nên ta đừng vội nói với mình “Dừng lại nhé, ta không đủ sức, đủ giỏi để làm việc này”. Mặc kệ những gì tâm trí đang ra sức “lải nhải” hòng làm ta chùn bước, ta chỉ cần đi tiếp. Vậy thôi!
Nào, giờ thì cùng chúc tôi hoàn thành mục tiêu 5km nhé!
Hẹn gặp bạn sáng thứ Bẩy tuần sau!
#Hãy yêu khi mọi điều còn chưa cũ#
Next in Góc Ấm: BAD LUCK – BAD HAY LUCK? LÀM SAO ĐỂ VƯỢT QUA NHỮNG TÌNH HUỐNG KHÓ KHĂN
1 thought on “LÀM GÌ KHI MẤT ĐỘNG LỰC?”
Comments are closed.