Hôm qua tôi được nghe “Đường xa ướt mưa” vọng sang từ nhà hàng xóm. Trời mưa bão nghe bài này thấy cũng “liên quan”. Và cô gái trong bài hát thì … ôi sao mà khéo miệng (!).
“Ngại đường xa ướt mưa, em muốn anh đưa em về”.
Đó, đường mà gần, trời mà khô ráo thì em cũng không cần anh lắm đâu (^.^). Em vừa chủ động, vừa bé nhỏ, dịu dàng như thế thì anh nào lại nỡ bảo “Thôi để anh gọi Grab cho em” (!).
Độc giả (trẻ) của Góc Ấm nếu đang muốn được ai đó đưa về, thì có thể cân nhắc học hỏi cô gái nọ. Đừng e dè, ngượng ngập mà mất đi cơ hội. Chả phải anh đã năn nỉ “Anh xin em đừng về. Đường quá xa xôi” đó sao (^.^).
Chỉ có điều, nói sao cho khéo! Đừng bánh bèo đeo bám kiểu “Anh đưa em theo với, cầm tay em và đưa lối” là được. Tôi là phụ nữ mà mới nghe thôi đã muốn trốn rồi!
Cái miệng nó xinh thế…
Vì Covid, BB đón chào lớp một bên màn hình máy tính. Để chuẩn bị cho tiết học online đầu tiên của những năm tiểu học, tôi vẽ một hình người lên giấy và nói với con rằng “Con xem này, cái đầu là chữ “Dạ thưa Cô”, cái chân là chữ “Ạ”. Con muốn nói gì là cái thân. Con đừng làm bạn này rơi đầu, rụng chân nhé”. Rồi tôi để hình vẽ đó trên bàn của con trong những buổi học đầu tiên.
Không lâu sau đó, cô giáo của con nhắn tin muốn gia đình quay một clip con nói lời chào năm học mới để phát trước toàn trường trong lễ khai giảng, vì “con nói năng đầu cuối, lễ phép” – Cô nhắn thế. Rồi trong suốt năm học, con còn được tham gia thêm nhiều sự kiện rất vui vẻ với thầy cô và các bạn. Có lẽ tất cả chỉ bắt nguồn từ lời dặn đừng làm rơi đầu, rụng chân của mẹ hôm nào.
Vậy đó, một lời nói lịch sự, dễ nghe từ giây phút ban đầu có thể để lại ấn tượng đẹp, và quan trọng hơn, nó mang tới thật nhiều niềm vui cho người khác, và cả chính bản thân mình.
Từ chuyện trẻ con kể sang chuyện người lớn. Vài năm trước đây, tôi có theo dõi Facebook của một chị nhà văn vốn là tác giả của tờ báo tuổi hoa mà tôi đọc từ thời học sinh. Chị thông minh, sắc sảo, nhiều trải nghiệm và thường có những bài viết rất “viral”.
Nhưng rồi một đôi lần, chị post các bài “mang tính răn đe”. Đại khái vì chị không chấp nhận được hành vi của một nhóm người nên chị thấy mình cần phải nặng lời để những người kia “sáng mắt ra”.
Và tôi thôi không theo dõi chị từ đó.
Cho mỗi lời nói một mục đích
Tôi từng đọc đâu đó là “Hãy cho mỗi lời nói một mục đích”.
Lời nói đẹp xuất phát từ mục đích đẹp, hay ít nhất cũng đừng bắt lời nói của mình “gánh” những mục đích xấu. Ta không thể tự vin vào những lý lẽ của riêng mình, rằng mục đích của ta là tốt đẹp, và rồi tự ý phát ngôn bất kể điều gì, theo bất cứ cách nào mà ta muốn.
Mỗi lời nói là một mầm cây được gieo từ hạt giống suy nghĩ nhỏ. Ta muốn ngắm những mầm cây xanh tốt (rồi chúng sẽ lớn và nở đoá hoa tươi), thay vì những đóa hoa “độc hại”. Dù mục đích của bạn là gì, lời nói của bạn sẽ phản ánh những gì bạn đang thực sự nuôi dưỡng trong chính bản thân mình.
Không ít lần, tôi buột ra những câu nói trong tâm trạng buồn bực, giận dữ hoặc chán nản. Đôi khi chúng không ảnh hưởng tới ai, đôi khi chúng làm đau người khác. Và sau đó, tôi thường mất một khoảng thời gian dài để bước qua được cảm giác dằn vặt vì “lời đã nói ra như mũi tên không lấy lại được”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thường suy nghĩ (đôi khi rất lâu) trước khi trả lời một câu hỏi. Người hỏi thấy được tôn trọng và trân quý sự cân nhắc kỹ lưỡng mà Ngài dành cho họ. Tôi cũng xem một số video phỏng vấn thiền sư Thích Nhất Hạnh và nhận ra một điều tương tự, khi thiền sư luôn chậm rãi ngẫm nghĩ trước khi cất lời.
Thiền tập có thể cho ta sự kiểm soát nhất định với từng suy nghĩ, lời nói. Nhưng mà thôi, vì ta chưa có “nội công thâm hậu” như các bậc đại sư, nên ta hãy…
…chậm lại, ít đi…
Chẳng ai trao phần thưởng cho việc nói thật vội, thật nhiều. “Năng nói, năng lỗi” – chẳng phải chúng ta vẫn được khuyên nhủ như vậy sao?
Tôi viết bài này như một lời nhắc nhở chính bản thân mình. Ngay tại lúc này, tôi vẫn chưa thôi cảm thấy cắn rứt vì lời nói “sát thương” buột ra trong cơn nóng giận, mới chỉ mấy hôm trước đây thôi, với một đối tượng mà đáng ra tôi cần nâng niu nhất.
Bài học tôi rút ra là, nếu ta không dành thời gian để nghĩ trước khi phát ngôn, thì cũng giống như người nông dân vội vã gieo vụ mùa mới mà không lựa kỹ hạt mầm. Cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, hay thất bát, mất mùa đều khởi nguồn từ việc chọn mầm.
Lợi ích “nhãn tiền” của việc chọn lời khi nói là ta có thể ngủ ngon, không phải trăn trở ước chi có thể tóm lấy đuôi mũi tên đã bay đi mà “đút ngược trở lại vào trong”.
Chúc tất cả chúng ta một hành trình “Chậm lại! Ít đi!” suôn sẻ!
Hẹn gặp bạn sáng thứ Bẩy tuần sau!
#Hãy yêu khi mọi điều còn chưa cũ#
Next in Góc Ấm: 17 NĂM ĐI LÀM & 7 ĐIỀU TÔI ƯỚC MÌNH ĐÃ BIẾT TỪ 17 NĂM TRƯỚC
Tuyệt quá. Hay hơn từng bài
Cảm ơn em Giang, độc giả Quạt Mo yêu quý!
Cảm ơn em Vân! Có lẽ ai cũng ít nhiều thấy đồng cảm với bài viết này! Yêu cách em quan sát, cảm nhận, chiêm nghiệm cuộc sống và khâm phục cách em dạy dỗ BB lắm! Con mẹ Vân = em bé hạnh phúc! 🥰
Cảm ơn chị Hương 💕. Thật vui khi bài viết nhận được nhiều đồng cảm từ người đọc ☺️