Bad
Ngày xưa xưa…
Đôi khi tôi nhận ra mình đang ở trong một (hoặc nhiều) tình huống không thể tồi tệ hơn. Giá như đó chỉ là “sự kiện” nhỏ như dẫm chân vào vũng nước bẩn hay da dẻ “nổi loạn” đúng vào hôm tôi cần xinh đẹp, thì tôi cũng chỉ chép miệng mà cho đó là xui xẻo.
Nhưng chúng tệ hơn là bad (!).
Có những thời điểm đâu đó xa xa trong quá khứ, chúng khiến tôi không tìm thấy lý do để nhếch mép cười trong rất nhiều ngày (đôi khi là nhiều tuần, và cũng có khi là nhiều tháng). Chúng làm tôi nằm bẹp trên giường, tự hỏi mình trong hoang mang “Lại bắt đầu ngày mới rồi sao?” rồi lục tìm trong một ngăn kéo tưởng tượng rỗng tuếch thứ gì đó cho mình đủ động lực để đi tiếp hai tư tiếng đồng hồ.
Khi ở trong những tình huống “tệ hơn cả tệ” đó, tôi thường bị trói thêm bởi mớ câu hỏi Tại sao? … Làm thế nào?…
Tôi không thể tự mình trả lời những câu hỏi ấy, và cũng không ai giúp được tôi cả.
Đó là một bức tranh chân thật về tôi những ngày rất trẻ, trong những bẫy voi, bẫy chuột mà cuộc đời giăng ra ngay khi tôi vừa thò chân mon men bước vào cuộc sống của người trưởng thành.
Ngày nay nay…
Cuộc sống (không hiểu vì lý do gì) vẫn đều đều bày ra bẫy voi, bẫy chuột trên đường tôi đi (-.-). Thi thoảng tôi “né” được, những cũng không ít lần sa sẩy tụt chân vào.
Nhưng tôi thấy một tôi rất khác. Bớt hoang mang, bớt dằn vặt, và cũng không còn tự giày vò mình với những câu hỏi không lời đáp. Tụt chân vào thì nhấc chân lên bước tiếp, đau quá thì ngồi nghỉ một lúc rồi lại đi. Bởi vì những gì xảy ra với một tôi trẻ dại những ngày xưa xưa ấy dạy cho tôi rằng…
Trong BAD có LUCK
Tôi bị trầm cảm sau cả hai lần sinh nở. Đó là những trải nghiệm rất khó khăn. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh chồng tôi, một người đàn ông trẻ cũng hoang mang như tôi ở thời điểm ấy, bế đứa con bé tí tẹo trên tay và hỏi con (hay hỏi chính mình không biết nữa) “Sao con xinh thế này mà mẹ lại cứ buồn?”.
Tôi cũng tự hỏi “Tại sao lại là Tôi?” khi nhìn xung quanh và thấy những người mẹ khác hạnh phúc rạng ngời với em bé mới sinh.
Nhưng sau khi đã đi qua trải nghiệm khó khăn ấy, tôi nhìn lại và thấy mình đã học được quá nhiều điều, để sống yên bình và có ý nghĩa hơn trong những tháng ngày phía trước.
- Tôi nhận thức được tầm quan trọng của sức khoẻ tinh thần nên tự tìm hiểu, học hỏi, và thực hành những cách thức để duy trì lối suy nghĩ tích cực, an yên. Quá trình học hỏi này hoàn thiện chính con người tôi, và thú vị không kém, nó lại giúp tôi trở thành điểm tựa tinh thần cho những người khác khi họ cần tới.
- Hơn bao giờ hết, tôi hiểu ý nghĩa của bài học “mặt nạ cứu sinh trên máy bay”. Đeo cho mình trước rồi đeo cho con. Tôi không thể cho con tôi những gì mà tôi không có. Nếu tôi muốn con an toàn, hạnh phúc, khoẻ mạnh, thì bản thân tôi phải cảm nhận được điều đó trước. Kể từ đó tới giờ, tôi luôn chọn cách sống “ích kỷ”: yêu mình trước tiên, thương mình trước tiên, rồi sau đó mới có thể yêu thương, chăm sóc những người xung quanh.
- Quãng thời gian xám xịt đó cũng luôn nhắc tôi nhớ về ánh lửa ấm áp mà những người xung quanh đã thắp lên để sưởi ấm cho tôi. Nhưng nếu được quay ngược thời gian, hoặc giả dụ tôi sinh thêm em bé (là giả dụ vậy), tôi sẽ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn: tham vấn bác sỹ, nói rõ tình trạng bệnh lý cho những người xung quanh và thẳng thắn đề nghị gia đình trợ giúp chăm sóc con để tôi được nghỉ ngơi hoàn toàn cho tới khi hồi phục. Những mối quan hệ tốt đẹp nhất ở đó là để bao bọc, nâng đỡ ta khi ta suy sụp nhất, yếu đuối nhất.
- Những cảm xúc hỗn loạn mà chỉ mình tôi hiểu được trong khoảng thời gian trầm cảm cũng nhắc nhở tôi rằng mỗi người mà ta tiếp xúc hàng ngày đều có thể đang ở trong một vực sâu buồn khổ mà ta không nhận thức hết được. Biết thế, để tự dặn mình nếu không thể yêu quý thì cũng không cần ghét bỏ. Đơn giản là ta không hiểu hết được những gì họ đã và đang phải trải qua.
- Tất cả mọi chuyện (dù tồi tệ tới đâu) rồi cũng sẽ chấm dứt. Khi ở trong những tình huống khó khăn, ta thường có cảm giác “chết chìm”, cảm tưởng như những gì đang xảy ra sẽ cuốn trôi ta vào cơn sóng dữ. Nhưng sự thật là cái gì có điểm khởi đầu cũng sẽ đều có điểm kết thúc. Khoảng cách giữa hai điểm đó hoàn toàn phụ thuộc vào bản lĩnh và thái độ của ta. Tin tôi đi, tôi có đủ trải nghiệm để khẳng định điều này.
Trầm cảm sau sinh chỉ là một trong kha khá những món quà worse than bad mà cuộc sống từng “âu yếm” mang tặng tôi.
Trưởng thành hơn theo năm tháng, tôi hiểu được rằng, cho dù không có Luck trong Bad, thì những bài học luôn ở đó. Những gì ta học hỏi được sẽ vẽ nên con đường phía trước, kết nối ta tới những gì ta chưa thể hình dung ra khi vẫn còn đang lóp ngóp trong bẫy voi, bẫy chuột.
Những dấu chấm
Chắc khá nhiều người từng nghe bài diễn văn nổi tiếng của Steve Jobs về những dấu chấm. (Bạn có thể đọc lại bài diễn văn đó tại ĐÂY).
“Một lần nữa, tôi muốn nói với các bạn rằng, ta không thể biết những dấu chấm có nối kết với nhau trong tương lai không, các bạn chỉ có thể biết điều đó khi nhìn lại mà thôi. Vì thế, bạn hãy tin tưởng rằng, bằng một cách nào nó, những dấu chấm sẽ nối kết với nhau trong tương lai của bạn. Bạn cần phải tin vào một số thứ khác như: sự quyết tâm, số phận, cuộc đời, nghiệp quả hoặc bất cứ cái gì. Cách tiếp cận này chưa bao giờ làm tôi thất vọng và nó đã tạo ra những thay đổi trong cuộc sống của tôi.”
Steve Jobs nói như vậy. Và tôi cũng tin như vậy. Cuộc đời không là một đường thẳng mà là sự kết nối của các sự kiện. Nên cho dù bạn đang ở trong hoàn cảnh nào thì cũng hãy nghĩ về các dấu chấm. Những gì tệ hại sẽ không kéo dài mãi mãi. Suy nghĩ của bạn, nỗ lực của bạn trong dấu chấm này sẽ đưa bạn tới một dấu chấm khác, và dần dần vẽ nên bức tranh cả cuộc đời.
Hiểu về những dấu chấm, ta có thể tự tin để đón chào bất cứ điều gì sắp xảy đến, cho dù chúng là BAD hay LUCK.
Những bài học luôn ở đó để ta vẽ nên dấu chấm của mình.
Hẹn gặp bạn sáng thứ Bẩy tuần sau!
#Hãy yêu khi mọi điều còn chưa cũ#
Next in Góc Ấm: ĐƯỜNG XA ƯỚT MƯA & CHUYỆN NÓI SAO CHO KHÉO
1 thought on “BAD LUCK – BAD HAY LUCK? LÀM SAO ĐỂ VƯỢT QUA NHỮNG TÌNH HUỐNG KHÓ KHĂN?”
Comments are closed.