Ngày hôm qua đánh dấu cột mốc tròn 17 năm kể từ khi tôi bắt đầu đi làm.
17 năm – một con số thật đẹp.
Nó nhắc tôi nhớ về một ngày mùa hè nóng nực năm nào, khi tôi cùng vài trăm thí sinh khác chen chúc thi đầu vào trước vòng phỏng vấn cho công việc đầu tiên.
Khi ấy tôi là một cô sinh viên trẻ chưa tốt nghiệp, ngây thơ, và mang trong mình rất nhiều ảo tưởng.
Hôm nay vẫn là một ngày mùa hè nóng nực. Tôi ngồi viết những dòng này khi đã bớt ngây thơ và ít ảo tưởng hơn sau 17 năm đằng đẵng.
Để kể về những gì tôi đã học hỏi được thì con số 7 là quá ít. 17, 27, hay 37 có lẽ sẽ thực tế hơn.
Nhưng thôi, trong bài viết hôm nay, tôi chỉ xin gom góp những “bài học xương máu” trong con số 7. Chẳng phải biết tất cả nghĩa là tôi đã có thể ung dung rảo bước trên con đường sự nghiệp bằng phẳng.
Biết và Làm thường cách nhau một quãng chông gai.
Dù sao thì để biết được “ngần này” thứ, tôi cũng đã phải trải qua gần hai thập kỷ gập ghềnh. Viết để … khỏi quên, và cũng để động viên mình thu ngắn khoảng cách giữa “Biết” và “Làm” thêm một chút.
- BẢN CHẤT CÔNG VIỆC LÀ BỘN BỀ
Đúng vậy!
Công việc về bản chất luôn chứa đựng ít nhất một vấn đề cần phải giải quyết tại một thời điểm. Sẽ là phi thực tế (thậm chí có chút hoang đường) khi mong muốn mọi việc nằm hoàn toàn trong sự trù liệu của ta.
Nhiều năm kinh nghiệm không có nghĩa là ta đoán trước được ti tỉ thứ sẽ phát sinh. Cũng không bao giờ có thể tính đường đi nước bước cho tất thảy các vấn đề đó.
Luôn có sự cố bất ngờ. Luôn có các thử thách.
Khi ta nhắc nhở bản thân mình rằng “Công việc tự nó luôn bề bộn”, ta có thể tập trung vào giải quyết vấn đề của hiện tại thay vì “rên xiết”: “Sao cái công việc này nó lộn xộn đến thế?”, “Sao vừa giải quyết xong việc này đã lại “tòi” ngay ra việc khác?”, “Sao cùng một lúc lại có cả mớ vấn đề phát sinh đổ ụp xuống đầu thế này?” (???).
Cũng không cần phải kết luận một cách u ám rằng “Chắc vì mình làm chẳng nên hồn nên công việc mới thành ra hỗn độn”.
Hãy bình tĩnh tự nhắc mình rằng “Bản chất công việc là bề bộn”.
Và xắn tay áo lên thôi…
2. HÃY LÀ SẾP CỦA CHÍNH MÌNH
17 năm qua, tôi có nhiều sếp tới mức có xoè cả hai bàn tay thì vẫn chưa đếm đủ. Nhưng tôi thấy thời điểm mình trưởng thành nhất trong công việc là khi tôi quyết định rằng “Ta sẽ là sếp của chính ta”.
Rõ ràng, khi làm việc trong một tổ chức, ai cũng có các chỉ tiêu để phấn đấu, các kết quả cần đạt được, và các nguyên tắc chung cần tuân thủ. Nhưng càng trưởng thành, ta càng cần chủ động tự quản lý, và chịu trách nhiệm cho mọi hành động của chính mình.
Ta đâu phải “em chưa 18” để cần một người khác kè kè để mắt, và nhắc nhở. Khi quyết định “Ta sẽ là sếp của chính ta” thì đó cũng là lúc ta tìm được sự tự chủ trong công việc.
Sự tự chủ này, theo tôi, là yếu tố tiên quyết để xây nên một sự nghiệp thành công.
3. NÍN KHÓC VÀ NGHĨ ĐI!
Cách đây hơn chục năm, đã có lần tôi khóc tới sưng mắt vì công việc. Ngồi quán cà phê khóc tới “thủng nồi trôi rế”, tôi thấy chưa “đã” nên lẻn vào restroom khóc thêm một chặp nữa.
Tôi tôn trọng mọi cảm xúc của tuổi trẻ. Nếu được quay ngược thời gian thì chắc tôi vẫn sẽ tới quán cà phê và restroom thôi. Nhưng giờ đây, sau nhiều trải nghiệm và va vấp, tôi thấy một tôi hơi khác với buổi sáng “thủng nồi trôi rế” nọ.
Công việc vẫn bày ra vô số các tình huống trớ trêu “muốn khóc”. Nhưng mà chưa kịp khóc thì tôi đã nhận ra mình đang thở dài tự nói với bản thân “Nín khóc và nghĩ đi nào Vân!”.
Bởi vì, tôi rút được ra kết luận rằng không ai thuê tôi tới đây chỉ để … khóc khi gặp khó khăn cả ^-^.
Bất kể khó khăn đó là gì, tôi được trả lương để giải quyết nó. Còn quyết định có “bonus” một ít nước mắt hay không là tuỳ ở tôi cả thôi.
Khóc lâu thì lại mất thêm thời gian để nghĩ, nên chi bằng cầm lấy tờ khăn giấy, lau khô nước mắt rồi tự động viên mình “Nín khóc và nghĩ xem có thể làm gì nào!”
4. ĐỪNG LÀ NGÔI SAO CÔ ĐƠN
Những năm trẻ dại mới đi làm, tôi từng nghĩ rằng chỉ cần cá nhân mình “toả sáng” là đủ. Mình làm thật tốt phần việc được giao, hoàn tất chỉ tiêu cao hơn cả sự trông đợi của sếp – thế là ổn thoả (!).
Nhưng rồi thực tế dạy tôi rằng không một tập thể nào cần tới ngôi sao chủ định “toả sáng một cách cô đơn” hết cả.
Về bản chất, công việc của tập thể là một nhiệm vụ thống nhất. Nó được chia nhỏ không nhằm mục đích để mỗi cá nhân xé lẻ, “nhăm nhăm” hoàn tất phần việc của riêng mình. Nhìn một cách tổng thể, cho dù có chia nhỏ tới đâu, bức tranh vẫn phải đầy đủ các mảnh ghép.
Đó là lý do ngôi sao thực sự là người không chỉ giải quyết tốt phần việc của mình, mà còn sẵn sàng chìa bàn tay giúp đỡ tất cả các đồng nghiệp khi họ cần tới, để cùng hoàn tất một bức tranh lớn hoàn hảo.
Bạn hãy tin tôi đi, cho dù có bao nhiêu lý thuyết này kia về “sự cạnh tranh”, rồi “mưu kế nơi công sở”, thì tôi chưa bao giờ nghi ngờ một thực tế rằng: Người cho đi và chia sẻ một cách chân thành, tử tế sẽ luôn được hưởng rất nhiều trái ngọt.
5. “THINK LIKE Y”
Công ty tôi có một thuật ngữ rất hay: “Think like Y” (Y là tên sếp lớn của tôi. Bạn có thể thay bằng X, W, Z hoặc A,B,C nếu muốn ^.^).
Thuật ngữ này thường được sử dụng (một cách chính thức trong văn bản hướng dẫn) khi công ty ban hành các chính sách, hoặc quyết định (có vẻ) khó hiểu và dễ gây tranh cãi.
Những chính sách này đa phần liên quan tới lợi ích của nhiều bên nên thường dẫn tới “A hả hê, B hậm hực”. Đó là lúc “Think like Y” được “tung ra”.
Thi thoảng ta bị nhắc nhở “Hãy đặt mình vào địa vị của sếp mà xem…”. Thường ta sẽ (hoặc công khai, hoặc bí mật) giãy nẩy “Sao tôi luôn phải nghĩ cho người khác. Sao người khác không thử đứng vào địa vị của tôi?”.
Nhưng mà lần tới, ta thử chủ động “Think like Y” xem sao. Nó sẽ giúp ta dừng lại, thôi chú tâm vào “Me, Myself and I” và nghĩ rộng ra một chút. Ta có thể (ngậm ngùi) hiểu ra rằng ta chỉ là một ngôi sao nhỏ trong dải ngân hà. “Uhm, đúng là buồn thật, nhưng cũng đúng thôi…”.
Tôi không cho rằng đây là một liệu pháp tinh thần kiểu AQ. Đây cũng không phải là một hành động vị tha nghĩ cho người khác.
Think like Y mà, đâu phải Think for Y.
Đơn giản, đây là một lời nhắc nhở để ta không đi chệch hướng.
“Think like Y” giúp ta không rối loạn cảm xúc chỉ vì những suy nghĩ lạc lối ngay từ đầu.
Vậy thôi!
6. ĐI TÌM GỐC RỄ
Đây có thể xem là cách hiệu quả nhất để có được sự tự tin, tự chủ và chính kiến trong công việc.
Nôm na là, bạn đang làm việc gì, thì bạn phải chắc chắn rằng bạn là người hiểu rõ nhất vì sao bạn đang làm việc đó. (Câu vừa rồi đọc có vẻ loằng ngoằng, nhưng mà tôi đã rà kỹ lại vài lần, và thấy không bỏ đi được từ nào cả).
Khi mới gia nhập một tổ chức, ai cũng sẽ có người hướng dẫn. Nhưng khi đủ lông đủ cánh, thì ta phải chủ động “rời cánh” Mentor, Coach, Buddy để tự đi tìm gốc rễ của mọi việc mình đang làm.
Nếu là các quy trình, chính sách thì hãy tận mắt đọc chúng. Nếu các đường link được chèn trong văn bản thì hãy mở chúng ra. Nếu chưa hiểu thì cố tìm người để “truy tận gốc”. Hãy tự hỏi mình “Tại sao?” càng nhiều càng tốt. Và tự đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi ấy.
Cái công việc mệt mỏi là đi tìm gốc rễ sẽ cho ta một sự tự tin tuyệt đối, và cũng tránh những tình huống còn mệt mỏi hơn khi ta phải vặn vẹo “đổ tội” cho những người từng là Mentor, là Coach, là Buddy của ta.
Hãy cứ coi làm đúng là trách nhiệm và nghĩa vụ của riêng mình.
Và đi tìm gốc rễ là cách để thực hiện điều đó.
7. “LÀM SAO THÌ CHẲNG LÀM SAO. DẪU CÓ THẾ NÀO CŨNG CHẲNG LÀM SAO”
Câu này tôi học từ … mẹ chồng tôi. Ngày xưa bà hay vừa bế HH vừa hát như thế. HH nổi tiếng khóc dai. Nhưng mỗi khi bà ôm cháu hát rằng “Làm sao thì chẳng làm sao, dẫu có thế nào cũng chẳng làm sao” thì cả nhà lại thấy bớt phần rầu rĩ.
Hồi mới đi làm, tôi từng tự giày vò bản thân chỉ vì những thất bại nhỏ trong công việc. Gọi là “mất ăn mất ngủ” cũng chẳng quá lời. Tôi không vui được cho tới khi giải quyết xong xuôi mọi việc.
Nhưng dần dà tôi “khám phá” ra rằng vấn đề dù khó khăn đến đâu rồi nó cũng … kết thúc. Tôi chưa từng thấy chuyện khủng khiếp nào xảy ra, nếu điều “khủng khiếp nhất” trong công việc, với tôi, là bị giảm lương hay đuổi việc.
Thành ra, tôi hay dặn mình rằng trong cơn bĩ cực, trước tiên hãy cứ ngâm nga câu hát “Làm sao thì chẳng làm sao. Dẫu có thế nào cũng chẳng làm sao“.
Rồi sau đó làm theo quy tắc số 3 “Nín khóc và nghĩ xem nào!”.
Tôi áp dụng “mẹo” này nhiều lần và thấy khá hiệu quả.
Bạn hãy thử xem sao!
Bước sang năm thứ 18, tôi chúc mình sẽ phần – lớn – thời – gian sáng suốt, để áp dụng những gì đã biết vào những gì sẽ làm.
Nếu không thể “Mỗi ngày đi làm là một ngày vui” thì ít nhất ta cũng cố để “Mỗi ngày đi làm là một ngày an” chứ nhỉ.
Hẹn gặp bạn sáng thứ Bẩy tuần sau!
#Hãy yêu khi mọi điều còn chưa cũ#
Next in Góc Ấm: Làm sao để sống đúng với chính mình?
Sao mà hay thế
Cảm ơn Quạt Mo 😘. Chị cũng không hiểu vì sao lại hay thế 😁.