Mùa phượng đã tàn. Mùa sen cũng sắp qua.
Chỉ có mùa thu là vừa len lén gõ cửa mang theo các mùa thi nối tiếp nhau.
Mỗi năm, cứ vào những ngày đầu tháng Chín, tôi lại vừa âu yếm, vừa xúc động, thêm cả một chút xót xa, khi nghĩ tới những gương mặt ngây thơ, những ngón tay lem mực, và những thân hình bé bỏng đứng dưới cờ trong ngày khai giảng.
Tôi dành tặng bài viết này cho tất cả các em bé đáng yêu nhân một ngày “gió thổi mùa thu hương cốm mới”.
Tôi cũng tặng bài viết cho độc giả của Góc Ấm – những người mà tôi mong sẽ dịu dàng trao cho con mình món quà vô giá trước thềm năm học mới.
Đó là niềm tin của cha mẹ.
Niềm tin của người lớn ảnh hưởng như thế nào tới con trẻ?
Tôi đọc câu chuyện dưới đây trong cuốn “Opening the door of your heart” của thiền sư Ajahn Brahm hơn mười năm về trước. Đây là một câu chuyện rất hay, mà tôi ước thầy cô và cha mẹ nào cũng có cơ hội đọc qua.
Dưới đây là phần tóm tắt dựa trên trí nhớ của tôi. Bạn có thể tìm đọc câu chuyện gốc trong cuốn sách nói trên.
Học sinh lớp A và học sinh lớp B
Vào đầu năm học, ở một ngôi trường nọ, người ta quyết định phân học sinh vào lớp A và lớp B một cách ngẫu nhiên, không dựa trên bất cứ tiêu chí cụ thể nào như lực học, hay hạnh kiểm.
Học sinh số 1,3,5,7… được xếp vào lớp A. Và như vậy, lớp B sẽ bao gồm học sinh số 2,4,6,8…
Tuy nhiên, chẳng hiểu vì lý do gì, mà các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, và mọi học sinh đều cho rằng lớp A là lớp tốt nhất chỉ bao gồm các cá nhân ưu tú .
Lớp B, do đó, sẽ dành cho các học sinh kém xuất sắc hơn.
Sau một năm học, kết quả của lớp A vượt trội hơn hẳn lớp B về cả thành tích học tập lẫn xếp loại hạnh kiểm.
Kết quả đó khởi nguồn từ niềm tin từ ban đầu, rằng lớp A tuyển chọn các học sinh ưu tú, nên…
… các thầy cô kỳ vọng ở học sinh lớp A nhiều hơn, và đầu tư công sức, thời gian vào các em…
… cha mẹ tin vào sự giỏi giang của con, và truyền niềm tin tưởng ấy sang những đứa trẻ…
… mỗi học sinh lớp A bắt đầu năm học với niềm tự hào về chính bản thân mình, và mang theo niềm tin của cha mẹ, thầy cô vào từng nỗ lực…
Câu chuyện không nói thêm về học sinh lớp B. Nhưng ta cũng có thể đoán được vì sao cùng một xuất phát điểm mà các học sinh lớp B lại thụt lùi so với lớp A nhanh tới vậy.
Tất cả khởi nguồn từ một niềm tin vô căn cứ rằng “đây là các học sinh kém xuất sắc hơn”.
Trong cuốn Give and Take, Giáo sư Adam Grant đề cập tới một nghiên cứu được phối hợp thực hiện bởi Giáo sư tâm lý Robert Rosenthal của Đại học Harvard và hiệu trưởng một trường tiểu học ở San Francisco.
Cách thức thực hiện và kết quả của nghiên cứu nói trên khá tương đồng với câu chuyện học sinh lớp A và học sinh lớp B của thiền sư Ajahn Brahm.
Giáo sư Adam Grant đã kết luận thế này trong Give and Take:
“Trên thực tế, những học sinh thuộc nhóm có tiềm năng cao chẳng có gì nổi trội hơn bạn bè đồng trang lứa – điểm khác biệt duy nhất nằm ở “suy nghĩ của giáo viên”.
“Con là em bé loại A!”
HH và BB hiện đang là những học sinh lớp A. Thi thoảng tôi được hỏi về kinh nghiệm để giúp các con có kết quả học tập tốt. Câu trả lời mà tôi luôn nghĩ tới, nhưng chưa bao giờ thực sự nói ra là: “Hãy bắt đầu bằng việc đặt niềm tin ở con mình”.
Ta không thể dùng “một tay che cả bầu trời” để xếp tất cả những đứa trẻ đáng yêu vào các lớp A.
Nhưng ta luôn có thể sát cánh cùng con, cho con điểm tựa để phát huy mọi tiềm năng sẵn có, bằng cách tin rằng cho dù hiện tại con có đang học lớp A, lớp X, lớp Y, hay lớp Z thì Con luôn là em bé loại A của cha mẹ!
Quan trọng không kém, hãy chia sẻ niềm tin ấy với đứa con bé bỏng.
Để thuyết phục con tin điều đó, trước hết, cha mẹ cần điều chỉnh những kỳ vọng và niềm tin sai lệch của chính mình.
Điểm số hay nỗ lực?
Thành tích hay niềm vui?
IQ hay EQ?
Cạnh tranh hay chia sẻ?
Thế nào là thành công?
Điều gì mang lại hạnh phúc?
Đừng mang những tiêu chí loại A của xã hội để áp đặt lên những đứa con. Hãy thay đổi niềm tin của chính mình để đặt ra các “tiêu chí loại A” đúng đắn, và giúp con nỗ lực từng bước đạt được những tiêu chí ấy.
Thật hạnh phúc cho những đứa trẻ được thức dậy mỗi sáng với niềm tin “Mình là em bé loại A!”. Niềm tin đó sẽ chắp cánh cho con vươn tới một cuộc sống thành công, hạnh phúc và giàu ý nghĩa.
Trong cuốn The 8th habit, Stephen Covey đã viết “Xây dựng thói quen khẳng định những điều tốt đẹp của người khác, thường xuyên và chân thành truyền cho họ niềm tin của bạn vào họ là điều vô cùng quan trọng – đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên đang phải trải qua giai đoạn hình thành nhân cách. Đây là một sự đầu tư nhỏ nhưng đem lại những kết quả to lớn không thể tin được“.
Để kết luận lại, tôi chỉ muốn nói rằng nuôi con chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng. Nhưng trước khi đi tìm các lời khuyên, chiến lược, thông tin … thì có một điều giản dị thường bị bỏ qua: Đứa trẻ sẽ phát triển dựa trên niềm tin của cha mẹ.
Chúc tất cả các em bé loại A của tôi một năm học nhiều niềm vui!
Hẹn gặp bạn sáng thứ Bẩy tuần sau!
#Hãy yêu khi mọi điều còn chưa cũ#
Next in Góc Ấm: HÃY ĐỂ CON LỚN LÊN TRONG THẾ GIỚI NHIỆM MÀU
Yêu lắm cách viết nhẹ nhàng mà ấm áp
Yêu 🥰 Yêu 🧡