Là cha mẹ, chắc hẳn bạn đã từng băn khoăn tự hỏi “Tôi phải làm gương cho con cái như thế nào cho đúng?”
Chúng ta vẫn thống nhất với nhau rằng “Trẻ con sẽ học hỏi từ hành động của người lớn, hơn là từ những lời răn dạy”. Điều quan trọng ở đây là phải phân biệt giữa học hỏi và bắt chước.
Đúng vậy, trẻ con không đơn thuần “bắt chước” những điều mà cha mẹ và những người xung quanh đang làm. Để uốn nắn những đứa con, cha mẹ cần hiểu về cách thức trẻ đang ngày ngày diễn giải mọi thứ quanh mình.
Nhưng mà trước tiên, để tôi kể lại cho bạn nghe câu chuyện mà tôi đã được nghe từ bố mẹ khi còn bé.
Cái sọt
Cái sọt – vật đan bằng tre nứa, dùng để đựng)
Ngày xửa ngày xưa ở một làng hẻo lánh nọ có gia đình gồm bốn người cùng sống bên nhau: Người ông đã già, hai vợ chồng trẻ và một cậu con còn bé. Họ sống lam lũ, ngày ngày mò cua bắt ốc vô cùng vất vả nhưng vẫn rất nghèo đói. Người ông tuổi cao sức yếu, không còn đủ sức làm bất cứ việc gì. Cha mẹ cậu bé quần quật từ sáng sớm tới tối khuya mà vẫn không lo đủ bốn miệng ăn.
Một đêm nọ, khi làng xóm đã chìm vào giấc ngủ say, người chồng ôm cái bụng rỗng thở dài nói với vợ “Này mẹ nó, gia cảnh nhà mình thế này tôi e là không thể lo cho cả ông và con. Hay là…”. “Bố nó định thế nào?” – Người vợ gặng hỏi. “Ông già rồi, chẳng biết còn sống được bao lâu nữa. Hàng ngày ta chẳng lo nổi cho ông bữa no. Còn thằng bé thì đang tuổi ăn tuổi lớn. Hay là… ta mang ông tới một nơi đông đúc, xem có ai tốt bụng mà nhận nuôi ông nốt những ngày còn lại”. Người vợ ngồi lặng trong đêm, ngẫm ngợi suy nghĩ, rồi gật đầu trong nước mắt. “Tôi tính là…”- người chồng nói tiếp – “ Sáng mai tôi sẽ mua một cái sọt lớn, đợi tới đêm cho ông vào sọt. Vợ chồng ta sẽ khiêng ông tới chợ xa rồi bỏ ông lại đó”.
Nói là làm, hai vợ chồng bắt tay vào thực hiện kế hoạch của mình.
Đêm hôm sau, hai vợ chồng đợi khi xóm làng đã say ngủ thì lặng lẽ bế người ông vào sọt. Vừa khi hai người đang bấm nhau khiêng sọt ra chợ thì bỗng cậu bé nhỏm dậy thì thào “Cha mẹ để ông lại chợ rồi nhớ mang sọt về nhé”. Hai vợ chồng giật mình, hỏi nhỏ “Để làm gì thế con?”. “Để khi nào cha mẹ già con còn cho cha mẹ vào sọt mang ra chợ”.
Hai vợ chồng sững người, nước mắt tuôn rơi, bế người cha già ra khỏi sọt. Và từ đó gia đình bốn người lại rau cháo bên nhau cho tới khi người ông qua đời.
Hết truyện!
Bố Mẹ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện này không chỉ một lần. Kèm theo đó luôn là lời răn dạy “Đó, cha mẹ luôn là tấm gương cho con cái”.
Tôi, khi đó còn là một đứa bé, nghe câu chuyện này không có cảm giác xót xa hay ngẫm được bài học này kia, chỉ thở phào khi truyện kết thúc có hậu, gia đình nọ vẫn được sống bên nhau.
Cho tới giờ, tôi luôn lo lắng và chăm sóc bố mẹ trong khả năng tốt nhất của mình. Nhưng tuyệt nhiên, đó không phải là vì lời dạy năm nào. Không, tôi không sợ một cái sọt nào cả. Tôi quan tâm chăm sóc cha mẹ vì tôi cảm thấy muốn làm như thế.
Quay trở lại câu hỏi trẻ con định hình tính cách của mình như thế nào. Chúng có “bắt chước” cha mẹ mình không? Và cha mẹ phải “làm gương” thế nào cho đúng?
Tôi là mẹ của một em be bé còn vài năm nữa thì bước vào tuổi teen, và một em lơn lớn vừa bước qua tuổi dậy thì. Từ những gì tôi học hỏi được, và từ hành trình làm mẹ của chính mình, tôi có vài chia sẻ dưới dây về chuyện “làm gương”.
- Trẻ con không bắt chước cha mẹ một cách vô thức. Chúng có cách diễn giải của riêng mình. Nói đúng hơn, tính cách và hành động của trẻ sẽ được định hình thông qua cách trẻ CẢM THẤY như thế nào về hành động của cha mẹ.
Có rất nhiều người mẹ hi sinh toàn bộ sở thích riêng, cả đời tận tuỵ phục vụ chồng con, nhưng con gái bà lại chọn một cuộc sống độc lập không ràng buộc. Cô CẢM THẤY mệt mỏi khi nhìn mẹ từ bỏ cuộc sống riêng của mình vì người khác nên cô sẽ không làm những gì người mẹ đã làm.
Có những người cha gần như không dành thời gian cho tuổi thơ của con cái nhưng người con trai lại sống rất tình cảm và nội tâm. Vì cậu CẢM THẤY chỉ sự gắn bó với gia đình mới mang lại niềm hạnh phúc trọn vẹn cho mình và cho những người thân yêu nên cậu sẽ làm những gì người cha đã không làm.
Ta có thể dẫn chiếu ra rất nhiều ví dụ để minh chứng cho điều đó.
2. Trẻ con (thật phiền phức, và cũng thật thú vị) luôn rất nhạy bén với những cảm xúc của cha mẹ.
Khi cha mẹ có những cảm xúc mạnh mẽ, dù tích cực hay tiêu cực, con cái sẽ cảm nhận rõ cho dù bạn giỏi che giấu tới đâu. “Giác quan thứ sáu” này giúp trẻ “nhìn thấu” những gì cha mẹ đang thực sự cảm thấy và theo đó, cảm giác của trẻ sẽ dẫn đường cho hành động và lời nói của chúng.
Vậy thì, thay vì loay hoay với chuyện làm gương, cha mẹ trước tiên hãy trở về nuôi dưỡng những hạt mầm cảm xúc của chính mình. Thân – Khẩu – Ý, hành động và lời nói đẹp sẽ bắt nguồn từ suy nghĩ đẹp. Cha mẹ có sức khoẻ tinh thần tích cực thì những hạt giống tốt cũng được gieo mầm trong những đứa con.
Healthy parents healthy children – hoá ra hành trình nuôi dậy con cũng là hành trình học hỏi không ngừng để điều chỉnh lại những hành vi và cảm xúc của chính những người làm cha, làm mẹ.
3. Đừng bỏ lỡ thời gian vàng
Khi con còn bé, cho tới những năm đầu tiểu học, phần lớn các con đều dễ hiểu, dễ đoán và rất “đơn giản”. Nếu dành đủ thời gian cho con, và có cách giao tiếp thích hợp, cha mẹ (nhất là người mẹ) hoàn toàn có thể hiểu được cách con CẢM THẤY thế nào và sẽ phản ứng ra sao trong phần lớn các tình huống giao tiếp hàng hàng ngày.
Tận dụng khoảng thời gian vàng khi con chưa bước vào những cơn bão cảm xúc của tuổi dậy thì để gần gũi, chia sẻ, và hiểu được những cảm xúc của con sẽ đặt nền móng cho một mối quan hệ khăng khít giữa cha mẹ và con cái. Đó sẽ là sự hỗ trợ vô cùng cần thiết cho cha mẹ khi nắm tay con bước qua tuổi dậy thì đầy sóng gió.
Để kết lại, nếu có điều gì tôi cho là quan trọng nhất, là cốt lõi của mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và con cái – thì đó không phải là chuyện làm gương mà là sự TIN TƯỞNG trên cơ sở THẤU HIỂU và TÔN TRỌNG.
Chúc bạn có một hành trình làm cha, làm mẹ nhiều niềm vui!
Hẹn gặp bạn sáng thứ Bẩy tuần sau!
#Hãy yêu khi mọi điều còn chưa cũ#
Next in Góc Ấm: LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRẺ CHỊU NGHE LỜI CHA MẸ?