Làm sao để con chịu nghe lời cha mẹ?
Bạn bè cùng trang lứa với tôi phần lớn bây giờ đều đã lên chức – chức MẸ. “Chức vụ” thật thiêng liêng cao quý, và đôi khi khiến người được thăng chức mắc kẹt trong một mớ hỗn độn những câu hỏi “Phải làm sao???”
Là cha mẹ, hơn ai hết, ta mong muốn những đứa con sẽ thành công và hạnh phúc. Và vì thế mà ta bỏ công bỏ sức để dạy dỗ, chỉ bảo những đứa trẻ non nớt. Chỉ có điều, “đối tác” của ta đôi khi không ngoan ngoãn đi theo đúng tấm bản đồ mà ta đã vẽ. Và thế là ta hụt hơi tìm con trong những ngã tắt, đường vòng mà con vô tình hay chủ ý đi lạc.
Làm sao để trẻ chịu nghe lời? Chắc câu hỏi này nhiều người cần giải đáp tới mức, nếu tôi nhớ không nhầm, thì có hẳn một cuốn sách được xuất bản với tựa đề tương tự.
Không, tôi chưa đọc cuốn sách đó. Tôi chỉ muốn chia sẻ những suy nghĩ cá nhân về việc “nghe lời” của trẻ. Biết đâu chúng ta có thể cùng nhau tìm ra con đường ít chông gai hơn trong hành trình nuôi dậy những đứa con.
- Cha mẹ muốn trẻ nghe lời gì?
Tôi đoán bạn sẽ dừng lại đôi chút để hệ thống, sắp xếp lại những chủ đề con cần phải nghe lời. Chắc hẳn cũng không nằm ngoài chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, cư xử. Vì con, bạn đề ra những nguyên tắc, hoặc đưa ra những lời khuyên nhủ và muốn con làm theo.
Nhưng mà, hãy quay lại chủ đề tôi đã bàn tới ở bài viết trước (bạn có thể đọc lại tại ĐÂY), về cái gì dẫn dắt cho những hành động của trẻ. Trẻ con không đơn thuần nghe lời và làm theo. Chúng hành động dựa trên cảm xúc của chính mình.
Lấy ví dụ về chuyện chào hỏi. Phần lớn các cuộc gặp gỡ mà có sự hiện diện của trẻ con đều sẽ bắt đầu bằng lời nhắc “Chào Cô/Bác đi con!”. Đáp lại có thể là những lời chào to, rõ ràng, hoặc những lời chào lí nhí với gương mặt ửng đỏ, hoặc là chẳng có lời chào nào hết – chỉ có những đôi mắt tròn đen “thách thức”.
Nhưng vì sao cha mẹ lại coi trọng lời chào hỏi tới vậy? Vì đó là phép tắc xã giao? Là biểu hiện của phép lịch sự tối thiểu? Hay là minh chứng cho việc đứa trẻ đã được dạy dỗ cẩn thận?
Tất cả, xét cho cùng, đều chỉ là diễn giải của người lớn. Hãy đặt mình vào vị thế của một đứa trẻ với đủ các tính cách: tự tin, hiếu động, tò mò, rụt rè hay ngượng chịu. Chúng sẽ cảm thấy gì khi gặp người lạ (và cả người quen nữa)? Dựa trên đâu để ta ép trẻ vào một lời chào đúng cú pháp ngay từ những giây phút gặp gỡ đầu tiên?
Bản thân tôi không đánh giá bất cứ điều gì qua việc chào hỏi của trẻ. Vì tôi thường nghĩ đến bầy thỏ trong rừng. Chúng đang chơi đùa trong nắng thì có tiếng động lớn. Sẽ có những con nhảy bật lên tìm chỗ trốn. Những con khác có thể đứng lại, giương tai nghe ngóng tò mò, hoặc đơn giản là chạy lại nép sau lưng mẹ. Tất cả bọn chúng đều ngây thơ, và đáng yêu như nhau nếu ta xét tới những cá tính và cảm xúc riêng biệt mà chúng đang có.
Vậy thì, sau mỗi lời bạn muốn con nghe, trước tiên hãy tìm hiểu xem con cảm thấy thế nào khi nghe lời đó. Nếu những gì bạn nói tạo cho trẻ những cảm xúc tiêu cực như bẽ mặt, bị chế nhạo, bị ép buộc, bị coi thường… thì rõ ràng, con sẽ chọn cách làm ngược lại những gì cha mẹ mong muốn.
2. Có thật là bạn thực sự muốn con mình “biết nghe lời”?
Trước tiên, tôi sẽ chia sẻ một đoạn hội thoại (mà ta không cần thiết phải tìm hiểu xem có nguồn gốc từ đâu), chỉ biết mỗi lần nghĩ đến tôi đều không khỏi bật cười.
- Sếp: Em có đang tham gia họp không đấy? Sao lại cứ im lặng thế?
- Nhân viên: Dạ vâng. Theo ý kiến của em thì… abc…xyz….
- Sếp: Thôi thôi, em dừng lại nghe tôi nói này… xyz… abc…
- Nhân viên: Vâng!
- Sếp: Sao lại Vâng? Em thì chỉ biết có Vâng với Dạ.
…
Đó là một trong những tình huống “điển hình” mà trẻ có thể gặp phải khi rời cánh mẹ bước ra cuộc sống. Trong những tình huống như vậy thì việc “biết nghe lời” sẽ giúp ích gì cho trẻ? Mà nghe lời nào, của ai mới được chứ?
Ra khỏi cái tổ ấm êm, phiên – bản – trưởng – thành của trẻ đối mặt với nhiều tình huống khó khăn hơn là chuyện chào hỏi, ăn, ngủ, nghỉ, giữ phòng gọn gàng. Khi đó việc “biết nghe lời” không chừng lại là rào cản ngăn trẻ vượt qua được những thử thách trong công việc và cuộc sống. Bởi vì, thói quen nghe theo lời người khác bất chấp cảm xúc của mình sẽ không giúp trẻ có quan điểm độc lập và sự tự quyết sáng suốt khi đối mặt với từng thách thức dù nhỏ hay lớn.
3. Nhưng rõ ràng, cha mẹ vẫn cần uốn nắn những đứa con…
Đúng vậy!
Chỉ là ta chậm lại, để ngẫm nghĩ về những điều thực sự ta muốn làm cho con. Và tìm ra cách thức hiệu quả để đồng hành cùng trẻ.
Khởi đầu từ việc nhận thức rằng con sẽ hành động dựa theo cảm xúc, ta sẽ dần tìm ra những con đường để “chạm tới trái tim” của trẻ. Đó phần nhiều liên quan tới Trí Tuệ Xúc Cảm (một chủ đề mà tôi đã quan tâm tìm hiểu rất nhiều trong những năm gần đây, và cũng sẽ có những bài chia sẻ về những gì đã học hỏi, đúc kết được trên Góc Ấm).
Một trong những cách hiệu quả nhất, theo tôi, để dẫn dắt trẻ đi đúng hướng là thông qua những câu chuyện kể. Không mới, phải không nào? Ai trong chúng ta mà không lớn lên với những câu chuyện kể của cha mẹ, ông bà. Vậy thì chỉ cần học cách áp dụng một cách khéo léo nghệ thuật Story Telling, ta sẽ được tận hưởng một hành trình nuôi dậy con cái nhẹ nhàng, ngọt ngào và nhiều cảm hứng.
Tuần sau trên Góc Ấm, tôi sẽ chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong việc áp dụng nghệ thuật kể chuyện trong giao tiếp hàng ngày với con. Chúng mình cùng hẹn gặp nhau ở đó nhé.
Where there’s a will, there’s a way. Cho dù bạn đang ở đâu trên hành trình làm cha mẹ, cho dù bạn đang gặp phải những vật cản nào trong việc hiểu con, ta luôn có thể tìm được con đường đúng. Vì phía sau mỗi nỗ lực nuôi dạy con cái đều là một tình yêu lớn. Đó là điều quan trọng nhất.
Hẹn gặp bạn sáng thứ Bẩy tuần sau!
#Hãy yêu khi mọi điều còn chưa cũ#
Next in Góc Ấm: DỐC HẾT TRÁI TIM (*) – ÁP DỤNG STORY TELLING VÀO VIỆC NUÔI DẬY TRẺ
(*) Tên một cuốn sách của Howard Schultz – người sáng lập ra Starbucks