Có những ngày tâm trạng ta như tiết trời nồm ẩm. Xám xịt và ướt át.
Mây giăng kín bầu trời và mặt đất cũng mang đầy hơi nước.
“Hồi trẻ”, tôi thường nghĩ tới anh trong những ngày như thế. Chúng tôi có thể lê la quán xá, cà phê cà pháo, rồi ngồi bàn tính chuyện tương lai. Tôi cũng hay bị cuốn vào thú vui mua sắm. Váy vóc, quần áo mới có thể mang lại liều dopamine trong khoảng thời gian ngăn ngắn. Cũng đôi khi, tôi thấy mình trì trệ ngồi lướt web hàng giờ, hoặc theo dõi các thể loại drama trong những chương trình truyền hình thực tế Mỹ.
Giờ đây, tôi có nhiều việc hơn để làm trong khi đợi nắng lên hong khô mọi vật.
Khi tâm trạng không tốt, tôi sẽ chọn làm một, hoặc tất cả những việc dưới đây.
Thường mây sẽ tan dần, và nắng bắt đầu len lỏi trên những tán cây xanh.
- Đi bộ
Khi tâm trạng u ám, lẽ thường ta thích nằm lười biếng trên ghế xô – pha. Nhưng mặc kệ cánh tay vô hình đang níu lấy tôi, tôi cứ lẳng lẳng thay váy đẹp và dứt khoát bước ra khỏi cửa.
Ngay khi thong dong đặt chân trên con đường rợp bóng cây xanh, nỗi buồn chán đã ít nhiều tan trong không gian thoáng đãng. Lá cây reo trong gió, và nắng lấp lánh dọc con phố ngắn. Tôi lướt qua quán cà phê quen, hàng bán cây xanh, và siêu thị hiếm khi đông đúc để rẽ vào con đường quen thuộc ven hồ.

Dọc đường đi có những cây ngọc lan nở rộ thơm ngọt, có hoa phượng, hoa điệp, hoa bằng lăng và hoa đại đua nhau nở theo mùa. Có cả những giàn mướp thấp thoáng hoa vàng và đậu leo nở hoa tim tím. Khi tôi đưa mắt tìm đàn vịt xám hay bơi thong dong trên hồ thì cũng chợt nhớ ra sự chán nản dường như đã bị đánh rơi ít nhiều trên phố.
Cũng có hôm nỗi buồn chán tinh ranh núp dọc đường về hòng túm lấy tôi.
Nhưng nắng đã lên rồi. Sương thường sẽ tan nhanh sau đó.
2. Gọi điện cho Mẹ
Tôi thường có thể đoán chính xác Mẹ đang làm gì trước khi gọi cho bà. Buổi sáng loanh quanh sân vườn, buổi chiều nằm đọc sách hoặc chuyện trò với Bố, và tối thì làm bạn với mấy bộ phim truyền hình.
Quả thật việc gọi cho mẹ ít khi nằm trong danh sách ưu tiên, trừ khi có việc gì cấp bách. Khi Mẹ già đi thì những câu chuyện cũng sẽ theo đó mà lặp đi lặp lại.
Nhưng tôi nhận ra rằng sau mỗi cuộc gọi cho Mẹ, tôi luôn thấy bình tâm trở lại. Mọi thứ tôi đang đối mặt bỗng trút bỏ cái vẻ “nguy hiểm” của chúng khi tôi nghĩ tới mẹ cặm cụi bên những luống rau.
Nỗi buồn chán thôi không còn bành trướng khi có điều gì đó hoặc ai đó giúp ta nhận ra rằng cuộc sống vốn dĩ đơn giản và ngắn ngủi.
“Calling Mommy” – Khi dòng chữ này hiện trên màn hình điện thoại của tôi thì ngay lúc đó, sự chán nản cũng biết thân biết phận mà thu nhỏ lại.
3. Thay ga gối
Tôi có thể tìm được niềm vui giản dị khi thay ga gối. Có người gọi vỏ gối là áo gối. Thay chiếc áo mới cho chăn gối. Căn phòng bỗng trở nên mới mẻ, tinh khôi và thơm tho.
Vén rèm cửa để nắng len vào phòng, mùi ga gối mới có thể làm ta cảm thấy dễ chịu như khi đang nhâm nhi cốc trà hoa cúc.
Đôi khi tôi “dấn” thêm bằng việc gấp dọn lại tủ quần áo. “Dọn cho gọn tâm trí”. Nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, quần áo ga gối thơm tho cũng là một cách hữu hiệu để xua cơn buồn chán.

4. Viết lách
Không phải viết sách, cũng không phải viết bài cho Góc Ấm.
Chỉ là viết lại tâm trạng và suy nghĩ của mình – một việc tôi vẫn làm gần như mỗi ngày.
Việc cầm cây bút viết ra các cảm xúc của mình cũng giống như ta đang vẽ lại chúng một cách cụ thể và rõ nét, thay vì để mớ suy nghĩ rối rắm đan trộn vào nhau. Lắm khi vừa viết được vài dòng, sự chán nản bỗng phai dần làm ta đột nhiên thấy nhẹ nhõm.
Quả đúng như người ta nói, nỗi sợ hãi bắt đầu mất đi uy lực khi ta có thể đặt tên và mô tả nó. Sự buồn chán, hay gần như tất cả các tâm trạng tiêu cực khác cũng vậy. Khi ta có thể viết ra một cách rành mạch những gì ta đang cảm thấy cũng có nghĩa ta đã nỗ lực đi tới hết chiều dài của suy nghĩ, mà không để các cảm xúc không tên khác ngắt quãng, chen ngang.
Khi dừng bút viết, phần lớn thời gian ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng.
Chuyện chỉ có vậy thôi, ta cũng dành đủ thời gian cho nỗi buồn chán rồi. Không có gì đáng để phân tâm thêm nữa.
5. Ngồi thiền
Giống như viết lách, thiền tập là việc tôi làm hàng ngày.
Phải tới khi thời gian tập thiền tính bằng năm, thì tôi mới thấu hiểu một điều là thiền không nhằm mục đích xua đi mọi suy nghĩ khó chịu, lại càng chẳng phải là cách để níu kéo các cảm giác tích cực.
Tập thiền thực chất là học cách để mở rộng tâm trí, bình thản đón nhận và quan sát mọi cảm xúc dội lên trong lòng.
Thiền sư Ajah Chah nói “… tâm của bạn dần dần yên lắng trong mọi hoàn cảnh. Tâm của bạn sẽ tĩnh lặng như mặt nước hồ trong vắt trong khu rừng thanh vắng. Rồi tất cả mọi loài thú quý hiếm kỳ diệu sẽ đến uống nước trong hồ”.
Sự chán nản, giống như “một loài thú quý hiếm”, sẽ tới soi bóng trong mặt hồ khi bạn ngồi xuống và kiên nhẫn theo dõi từng hơi thở. Và rồi mặt hồ sẽ trong vắt trở lại khi nó rời đi.
Hãy “mở rộng cửa nhưng không mời trà và bánh” cho nỗi buồn chán, hay bất cứ một cảm xúc nào khác. Ta sẽ thấy chúng đi cũng nhanh như khi chúng đến.
Đôi khi tôi cũng đọc sách, nghe nhạc, xem một bộ phim, làm vườn hoặc gặp gỡ bạn bè. Nhưng tôi thấy năm việc phía trên có thể cải thiện tâm trạng “u sầu” của tôi hiệu quả nhất. Chắc vì tôi là một người hướng nội điển hình, nên tôi thường nghiêng về những gì giúp tôi có thể kết nối với chính bản thân mình.
Nhưng dù thế nào thì một sự thực có vẻ đúng với bất cứ ai – cho dù là người hướng nội hay hướng ngoại, đó là khi ta nhìn nhận sự chán nản như bản chất của nó và không tô vẽ thêm thì nó cũng chỉ là một cảm giác đơn thuần, đến rồi đi mà không cần phải vật lộn để xua đuổi.
Các bài viết cùng chủ đề Quản trị cảm xúc:
Hẹn gặp bạn sáng thứ Bẩy tuần sau!
#Hãy yêu khi mọi điều còn chưa cũ#
Next in Góc Ấm: ĐI QUA NỖI SỢ
2 thoughts on “LÀM GÌ KHI CHÁN NẢN?”
Comments are closed.