Vài tuần trước, tôi cùng N xem một bộ phim trinh thám Nhật Bản. Kịch bản phim khá hấp dẫn, và dàn diễn viên chính thì quả là cuốn hút đúng kiểu Nhật.
Tôi rất ấn tượng với nam diễn viên đóng vai Thiên tài Toán học. Khuôn mặt lạnh lùng, khoé miệng nhếch lên và gần như ta không thể đọc được cảm xúc trong đôi mắt của anh.
Khi bộ phim kết thúc, ta nhận ra rằng không chỉ khán giả là người mịt mờ trước cảm xúc của Thiên tài Toán học. Mà chính anh – người luôn nấp phía sau khuôn mặt lạnh lùng vô cảm– cũng hoàn toàn bất lực trước mớ cảm xúc hỗn độn của mình.
Và đó là lời giải thích cho một loạt hành động … (mà thôi tôi không spoil nữa, biết đâu bạn quyết định sẽ xem bộ phim này).
Định danh cảm xúc
Bạn đang cảm thấy gì? Bạn có thể gọi tên cảm xúc đó không?
Câu hỏi trên là một đề mục quan trọng trong thiền tập. Cho dù ta đang lún sâu trong bất cứ cảm xúc nào, điểm khởi đầu cho quá trình phục hồi là việc nhận ra ta đang có cảm xúc đó và gọi tên nó: hoang mang, sợ hãi, lo lắng, bất an, bồn chồn, giận dữ, thất vọng… Những cảm xúc tích cực cũng có thể định danh theo cách tương tự: vui vẻ, hào hứng, hài lòng, tự hào…
Khoảnh khắc ta nhận ra và gọi tên cảm xúc đánh dấu việc ta ngừng đồng hoá mình với cảm xúc đó, dù chỉ trong thoáng chốc. Đó là điểm khởi đầu cho khoảng cách giữa sự kiện xảy ra và phản ứng của ta trước sự kiện đó.
Kiểm soát khoảng cách này càng tốt bao nhiêu, ta càng chủ động bấy nhiêu trong việc lựa chọn cách để phản ứng đúng đắn và khôn ngoan trong từng tình huống mà ta đang đối mặt.
Học về cảm xúc
Tôi nhận thấy thiền tập thư giãn đã được đưa vào giờ ngủ trưa của BB từ khi con học lớp Mẫu giáo lớn.
Dẫu vậy, tôi vẫn mong mỏi tới một ngày nào đó, các trường học sẽ thêm vào thời khoá biểu một môn học chính khoá, đặt ngang hàng với Toán, Văn, Ngoại Ngữ…
Đó là môn Quản trị cảm xúc.
Khi người lớn coi trọng và hỗ trợ con trẻ hiểu và làm bạn với các cảm xúc của mình, thì mỗi đứa trẻ đều có thể tự tin bước vào tuổi dậy thì, và sau đó là bước vào đời với đủ kiến thức và kỹ năng để đối mặt với mọi tình huống khó khăn.
Dù sao thì ta cũng không nên lãng phí thời gian ngồi đợi “người lớn khác” lo cho mình. Mỗi người mẹ, và người cha, đều có thể bắt đầu học, và rồi sau đó dạy con cách để làm bạn với cảm xúc ngay từ khi con còn bé.
Những bài học đầu tiên
Có một tập sách mà tôi mua cho BB từ khi con chưa đầy một tuổi. BB rất thích, và tôi cũng vậy.
Đó là bộ Sáu cuốn sách lớn rực rỡ xoay quanh cuộc sống của bạn Kevin.
Kevin 3 tuổi, nhưng cha mẹ có thể mua sách và đọc cùng con từ lứa tuổi nhỏ hơn.
Con sẽ được học những bài học đầu tiên về giác quan, về bốn mùa, về phương tiện giao thông, về kỹ năng, và đặc biệt là về cảm xúc.
Có lẽ đây là cuốn sách dễ thương, dễ hiểu, và dễ thẩm thấu nhất về chủ đề cảm xúc cho các độc giả bé. Kevin sẽ cùng con tìm hiểu về những cảm xúc căn bản nhất như bực tức, sợ hãi, buồn bã, vui mừng…
Các em bé nên làm gì khi thấy buồn? Tìm mẹ để ôm hay ăn bánh quy? (Bật mí là hồi bé BB chọn bánh quy).
Những gì học cùng Kevin tới giờ vẫn được tôi áp dụng khi giúp BB vượt qua những cảm giác tiêu cực, bắt đầu bằng việc “nhận mặt chỉ tên” các cảm xúc của con.
BB thường có thể đưa ra câu trả lời rành mạch, rõ ràng khi mẹ hỏi “Bạn cảm xúc nào đang ở đó thế?” hay “Hôm nay con đi học có bạn nào ghé chơi?”.
Con cũng biết cách thực hành lời mẹ dặn “mở rộng cửa nhưng không mời trà và bánh” cho các cảm xúc gây khó chịu, vì con đã tự mình chứng kiến cơn giận dữ hay nỗi buồn bực đến rồi đi.
Tuy chưa thể (và cũng không nên) mong chờ trẻ con thuần thục với việc nhận diện và kiểm soát từng cảm xúc, những bài học đầu tiên sẽ luôn hỗ trợ và làm điểm tựa cho con khi không có Mẹ kề bên.
Đó cũng là điểm khởi đầu cho môn “quản trị cảm xúc” mà xem ra ta còn phải học suốt đời.
Tác giả Liesbet Slegers đã nhắn nhủ các bậc phụ huynh như thế này ở ngay trang đầu của cuốn sách:
Cảm xúc là những điều thú vị rất riêng của từng bạn nhỏ. Mỗi trẻ sẽ phản ứng khác nhau khi gặp những tình huống khác nhau trong cuộc sống. Cuốn sách này giúp trẻ nhận biết được cảm xúc của mình…
… Cảm xúc là những thứ trừu tượng, khó giải thích cho trẻ. Cuốn sách này cung cấp các tình huống đa dạng và cụ thể, hướng dẫn trẻ đối mặt với những lúc khó khăn, học các quản trị cảm xúc của chính mình.
Phụ huynh cùng học
Có lẽ lời nhắn nhủ phía trên không chỉ rành riêng cho con trẻ.
Là người lớn, ta đủ trải nghiệm để hiểu rằng đôi khi điều khó khăn không phải là việc đã xảy ra, mà là cơn bão cảm xúc của ta trước sự việc ấy.
Vậy thì ta không cần phải ngượng ngùng khi bắt đầu những bài học vỡ lòng về cảm xúc.
Nhận diện cảm xúc, làm bạn cùng chúng và học cách kiểm soát khoảng cách giữa sự kiện và phản ứng – xem ra là môn học đáng để đầu tư nhất cho cả trẻ con và người trưởng thành.
Để kết lại bài viết, xin tặng các bạn một đoạn video ngắn ghi lại “những giờ học quản trị cảm xúc” đầu tiên khi BB chừng 3 tuổi.
Làm gì với cơn giận?
Hẹn gặp bạn sáng thứ Bẩy tuần sau!
#Hãy yêu khi mọi điều còn chưa cũ#
Next in Góc Ấm: LÀM GÌ VỚI CƠN GIẬN?
BB làm mặt vui quá yêu🥰 Giá mà có quy định tốt nghiệp môn quản trị cảm xúc trước khi lấy bằng Làm Mẹ bác ạ😬
Ừ, cho môn lý thuyết thì được. Còn đợi tốt nghiệp được phần thực hành chắc quá tuổi sinh đẻ 😅