Trong một lần ba mẹ con nằm nói chuyện trước giờ ngủ, HH tỉ tê rằng con đang thấy sợ “chết khiếp” bài kiểm tra Toán ngày mai.
Đây không phải lần đầu HH run rẩy trước môn Toán. Phần nào HH có gen của Mẹ.
Tôi cũng đã từng dành “nỗi sợ hãi sâu sắc” cho môn Hình học và Toán xác suất thống kê trong quãng đời đi học.
Nỗi sợ hãi đã làm gì đời ta?

Ai cũng có một vài nỗi sợ.
Người sợ nói trước đám đông, người sợ độ cao, người lại sợ những thứ khó hiểu như … lông gà (có hẳn một từ khoa học dành cho nỗi sợ này: pteronophobia – chứng sợ lông vũ).
Với tôi, danh sách sợ hãi có thể liệt kê sơ sơ như dưới đây:
- Rắn, và các loài bò sát không chân;
- Chương trình thời sự;
- Các trang tin nhảm nhí;
- (và một vài nỗi sợ nhỏ to mà tôi xin được giữ cho riêng mình).
Bài viết ngày hôm nay không tập trung vào một nỗi sợ hãi cụ thể nào. Tôi sẽ bàn tới những tình huống nói chung trong cuộc sống, khi ta cảm nhận được nỗi sợ hãi hoặc mơ hồ, hoặc rõ ràng. Cảm giác đó làm ta muốn thu mình lại né tránh, tìm cách trốn chạy, hoặc để nỗi sợ hãi giày vò, lấn át.
Đôi khi sợ hãi cũng xui khiến ta làm những việc rất vô minh. Chẳng hạn như nỗi sợ hạnh phúc tan vỡ khiến những người yêu nhau kiểm soát mối quan hệ theo cách có thể biến thứ gọi là Tình Yêu trở nên ngột ngạt. Những bậc phụ huynh quá sợ con mình tụt hậu so với bạn bè sẽ ép đứa trẻ vào một guồng quay điểm số, thành tích, và cạnh tranh không lành mạnh.
Nỗi sợ hãi cũng có thể là nguyên nhân gốc rễ của các cảm xúc tiêu cực khác, như giận dữ, lo lắng, bồn chồn, bất an….
Khi bị choáng ngợp bởi nỗi sợ, ta sẽ, hoặc suy sụp trong sự bất an, hoặc chọn cách lảng tránh, trì hoãn việc phải làm để “trốn tạm”.
Dù sao thì ta cũng không cần phải sợ … nỗi sợ tới vậy. Đừng trét thêm đường vào bánh Donut vốn đã ngọt sẵn rồi.
Có một số cách để ta làm bạn với cảm giác sợ hãi, và rồi đi qua nó. Tôi đã thử áp dụng với vài nỗi sợ “bí mật”, và thấy khá hiệu quả. Chúng cũng giúp HH dễ thở hơn với bài kiểm tra Toán hay các kỳ thi quan trọng.
- RAIN
Bạn còn nhớ liệu pháp Cơn mưa trong bài viết “Làm gì với cơn giận?” chứ?
RAIN có thể áp dụng cho bất cứ cảm xúc tiêu cực nào trong đó có nỗi sợ hãi.
Ta có thể để Cơn mưa “ra tay” ngay khi thoáng thấy bóng nỗi sợ thập thò ngoài cửa.
- R – Recognize: Nhận ra
Nhận ra là mình đang sợ.
Ta có thể thầm nói: “Ồ, mình đang thấy sợ hãi quá”.
- A – Allow: Cho phép
Cho phép nỗi sợ ở đó.
(Hãy nhớ câu thần chú “Đừng trét thêm đường vào bánh Donut”).
- I – Investiage (with interest and care): Xem xét
Quan sát tỉ mỉ và kỹ lưỡng xem nỗi sợ đang biểu hiện như thế nào trong cơ thể.
(Bạn có thể đọc lại bài “Làm gì với cơn giận” để xem xét nỗi sợ theo cách tương tự).
- N – Nurture (with self-compassion): Nuôi dưỡng
Hiểu rằng nỗi sợ cũng như tất cả các cảm xúc khác. Nó sẽ đến, rồi đi. Không cần xua đuổi.
Ta chỉ cần ngồi yên quan sát nó.
2. Nâng khóe miệng lên nào!
“Tip” này tôi học từ Phó giáo sư, Bác sỹ Keisuke Fujino khi đọc cuốn “Rèn luyện tâm trí” của ông.
Ông viết thế này:
“… Tất nhiên, ngay cả khi bạn không làm gì, dopamine cuối cùng vẫn sẽ được tiết ra, nhưng nếu bạn thực hiện “một hành động nào đó”, điều đó sẽ giúp gia tăng khả năng giải phóng dopamine ngay lập tức, đồng thời khiến chúng ta trở nên năng động, và vui vẻ hơn nhờ tác dụng của adrenaline. “Một hành động nào đó” đóng vai trò như công tắc để tạo nên “một khuôn mặt tươi cười”…
… Theo một nghĩa nào đó, bộ não có đặc trưng là dễ bị đánh lừa. Nếu tận dụng được đặc trưng này của não, bạn có thể khiến não phản ứng với chuyển động của các cơ mặt và tiết ra dopamine ngay lập tức bằng cách tự mỉm cười thay vì chờ đợi những tình huống khiến mình có thể mỉm cười. Điều đó có được gọi là “bật công tắc dopamine với một khuôn mặt tươi cười”.
Tất cả những gì bạn cần làm chỉ là “Nâng khóe miệng lên”. Tôi đã thử nhiều lần và thấy lời khuyên của bác sỹ Keisuke Fujino cực kỳ hữu ích. Thành ra, tôi quyết tâm áp dụng lời khuyên này càng nhiều càng tốt.
Ngay cả bác sỹ Keisuke Fujino cũng đã quyết định sẽ “nâng khóe miệng lên” bất cứ khi nào ông chợt nhớ ra.

3. Hãy để nỗi sợ hãi dẫn đường
Dù ta có nhận ra hay không, nỗi sợ thông thường lại là dấu hiệu cho những việc quan trọng nhất mà ta cần ưu tiên thực hiện.
Sau khi đã tĩnh tâm với RAIN và bật công tắc dopamine bằng cách “nâng khóe miệng lên”, ta hãy bắt đầu thực hiện ngay những việc tốt nhất có thể hướng về nỗi sợ.
Grant Cardone đã chia sẻ trong cuốn Seld or be sold: How to get your way in business and in life rằng “Chỉ có hàng loạt hành động đầy mạnh mẽ, tích cực và bất ngờ mới có thể hoàn toàn tiêu diệu con quái vật có tên là nỗi sợ hãi”.
Cá nhân tôi không thích gọi nỗi sợ hãi là “con quái vật”. Đó đơn thuần chỉ là một cảm xúc mà thôi. Nhưng tôi hoàn toàn đồng ý với vế trước của câu nói. Sự dũng cảm không tự nhiên có được, mà nó là kết quả của nhiều lần đi qua nỗi sợ.
Grant Cardone thật chí lý khi kết luật rằng “Nỗi sợ hãi, mặc dù không phải là một thứ hữu hình nhưng nó rất mạnh và tôi đủ trưởng thành để thừa nhận cảm giác đó. Thành công của tôi là sau đó tôi đã sử dụng nó để tiếp tục tiến về phía trước – chính xác về hướng có điều gì đó khiến tôi e sợ nhất”.
HH thường ngồi làm mindmap cho môn Toán, xem lại các video bài giảng rồi đi ngủ cùng Cơn mưa và lời khuyên của bác sỹ Keisuke Fujino.
Còn bạn?
Chúc bạn dũng cảm đi qua nỗi sợ của mình!
Hẹn gặp bạn sáng thứ Bẩy tuần sau!
Các bài viết cùng chủ đề Quản trị cảm xúc:
#Hãy yêu khi mọi điều còn chưa cũ#
Next in Góc Ấm: MÙA THU NÓI VỚI TÔI ĐIỀU GÌ?
3 thoughts on “ĐI QUA NỖI SỢ”
Comments are closed.