Hôm qua tôi ngồi nhẩm tính thì thấy gần ba phần tư những người thân quen nhất là có họ hàng với núi lửa. Họ đa phần là những người rất tuyệt vời, nhưng ta hãy cứ cẩn thận với dòng dung nham nóng chảy có thể tuôn trào bất cứ lúc nào.
Ở nơi làm việc, tôi đều đều chứng kiến những cơn giận “đủ size” bùng lên khắp các xó xỉnh.
Ngay khi đi trên phố, ta cũng không ít lần bất đắc dĩ phải nghe lời quát tháo, mắng mỏ xối xả trôi theo cơn giận của những người xa lạ.
Lắm khi, chính ta là núi lửa. Ta ôm cơn giận, để nó làm bản thân bỏng rát, hoặc mặc cho nó làm cháy xém những người bên cạnh.
Kể cả những người điềm đạm, ôn hoà, hoặc hiền lành, cam chịu thì thi thoảng vẫn phải đón vị khách giận dữ ghé thăm.
Bạn muốn làm gì với cơn giận?
Phải bắt đầu từ câu hỏi “Bạn muốn làm gì?”.
Vì tôi đã được nghe những lời tuyên bố đầy tự hào: “Tính tôi nóng như lửa đốt, tôi là tôi cứ nói thẳng như thế đấy!”. Nhiều người coi cơn giận như thứ vũ khí lợi hại, hoặc một đặc điểm nhận dạng mà họ không muốn bỏ đi.
Giận dữ là vậy. Nó có thể trở thành thói quen, và “tệp” vào hành vi tới mức mà ta lầm tưởng đó là bản ngã của mình.
Tôi xin dành tặng bài viết này cho những ai đang mệt mỏi với cơn giận, hoặc bất lực vì không sao kiểm soát được nó. Và cho cả những ai đang giận dữ vì … sao mình hay giận dữ đến thế (!).
Làm gì khi giận dữ?
Đã từng có những lời khuyên rằng hãy chiều theo cơn giận. Tìm căn phòng trống, tìm cái gối, tìm bao cát và trút hết mọi sự nóng nảy, bực bội vào đó. Rồi sau đó ta rời căn phòng với thần thái điềm đạm và cái tâm yên ả.
Không, không, và không!
Đó chưa bao giờ là lời khuyên hữu ích, ít nhất là với tôi.
Thứ nhất, làm vậy nghĩa là ta mặc nhiên công nhận cơn giận là ta, nghĩa là ta đồng hoá ta với nó. Thứ hai, tôi không tin ai đó lại có được cái tâm yên ả sau rất nhiều lần hằn học trút giận vào những thứ vô tri. Và cuối cùng, ta không định đeo theo cái bao cát trên lưng 24/24 giờ chứ?
Cũng có những tấm gương về sự nhẫn nhịn chịu đựng, chôn giấu cơn giận sâu tận đáy lòng. Vì họ yếu đuối, vì họ muốn giữ cái bề mặt êm ả lặng sóng, và vì họ sợ đối mặt với những tàn tro sau khi dung nham nguội lạnh.
Thật lòng, tôi thấy cảm thông cho sự lựa chọn thứ hai này. Tuy vậy, tâm trí bình yên mới là hạt giống cho mặt hồ lặng sóng. Những cơn giận dữ chất chồng trong đáy sâu của ngăn kéo tâm hồn sẽ chỉ tích tụ ở đó chờ cơn bão lớn.
Sự chôn giấu cảm xúc có thể huỷ hoại người ta theo những cách khó ngờ.
Không là “võ sỹ”, cũng không là “ngăn kéo”, vậy ta có thể làm gì đây?
Cơn mưa – RAIN
RAIN là một trong những cách đối trị với các cảm xúc (mà ta hay gọi là) tiêu cực, trong đó có giận dữ.
Tôi biết tới RAIN lần đầu khi đọc cuốn 10% Happier của Dan Harris. Sau đó tôi cũng tìm đọc và xem các bài giảng gốc của Tara Brach – một nhà tâm lý học, tác giả sách và cũng là giáo viên hướng dẫn thiền tại Mỹ.
RAIN sẽ hữu hiệu hơn nếu bạn có kinh nghiệm thiền tập và một nền tảng kiến thức tốt về tư tưởng Phật giáo. Tuy nhiên, RAIN khá dễ hiểu nên tôi cho rằng ai cũng có thể tìm hiểu và áp dụng thử xem sao.
Có thể tóm tắt về “cách sử dụng” RAIN như thế này:
1.R – Recognize: Nhận ra
Nhận ra là ta đang ở trong tình huống tồi tệ, và đang trải nghiệm một cảm xúc khó khăn (cụ thể trong bài viết này là cơn giận dữ).
Ví dụ: Ta có thể thầm nói: “Ồ, mình đang giận dữ”.
2. A – Allow: Cho phép
Cho phép cơn giận dữ ở đó, hay nói cách khác là chấp nhận việc mình đang cảm thấy như vậy.
Ngược lại với “Allow” có thể bực tức, ghét bỏ và tìm mọi cách xua đuổi cơn giận. Nếu ví von cơn giận như một cái lõi bánh Donut thì không chấp nhận là những lớp đường, kem và bơ mà ta ra sức trét thêm vào.
3. I – Investiage (with interest and care): Xem xét
Quan sát tỉ mỉ và kỹ lưỡng xem cơn giận đang biểu hiện như thế nào trong cơ thể.
Có người sẽ thấy nóng bừng khuôn mặt, người khác sẽ thấy nặng ở lồng ngực hoặc bụng quặn thắt. Cũng có những người thấy bả vai run lên, hoặc thấy tất cả những biểu hiện trên.
Ngoài những biểu hiện về mặt thể chất, có thể cơn giận cũng đang lôi kéo ta vào các ý định trả đũa, quát tháo, trừng phạt người khác.
4. N – Nurture (with self-compassion): Nuôi dưỡng
Hiểu rằng cơn giận cũng như tất cả các cảm xúc khác. Nó sẽ đến, rồi đi. Không cần xua đuổi.
Ta chỉ cần ngồi yên quan sát nó.
Theo kinh nghiệm của tôi, khi ta có thể thực hiện được nguyên chuỗi từ R tới N thì cơn giận đã gần tan hết.
Cái khó ở đây là ở chữ cái đầu tiên – R.
Những người hay nóng giận thường chỉ nhận ra mình đang “điên tiết” sau khi đã bị cơn giận “lôi” đi một quãng đường dài. Bao nhiêu hành động, lời nói đáng tiếc đều đã “phát tiết” trong cơn cả giận mất khôn.
Thành ra để tránh cơn mưa thì ta phải cố gắng nhận ra giọt nước đầu tiên. Sẽ là một quãng đường dài luyện tập. Sẽ có rất nhiều lần ta chỉ nhận ra mình đang giận khi đã ướt đẫm trong cơn mưa xối xả.
Đừng oán trách bản thân, hãy cứ bình tĩnh bắt đầu lại tại điểm R đó.
RAIN có thể áp dụng cho cơn giận dữ, hoặc bất cứ cảm xúc khó khăn nào khác (mà Tara Brach gọi là challenging feelings).
Late is better than Never!
Cứ kiên trì luyện tập, rồi sẽ tới ngày ta có thể dễ dàng nhận ra giọt nước đầu tiên đang thấm ướt vai áo.
Các bài viết cùng chủ đề Quản trị cảm xúc:
Hẹn gặp bạn sáng thứ Bẩy tuần sau!
#Hãy yêu khi mọi điều còn chưa cũ#
Next in Góc Ấm: LÀM GÌ KHI CHÁN NẢN?
3 thoughts on “LÀM GÌ VỚI CƠN GIẬN?”
Comments are closed.